xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BOT giao thông: Đi bao nhiêu, thu bấy nhiêu!

BÍCH VÂN thực hiện

Nói về những lùm xùm quanh các trạm thu phí BOT, ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng chủ đầu tư phải thu phí minh bạch, đi bao nhiêu thu bấy nhiêu chứ không thể đi 5 km mà thu toàn tuyến 30 km

Bên lề phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH), ông Đỗ Văn Sinh đã có cuộc trao đổi với Báo Người Lao Động xung quanh việc rà soát các công trình BOT giao thông theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thu phí phải minh bạch

* Phóng viên: Theo ông, những bất cập nào trong đầu tư công trình BOT cần khắc phục?

BOT giao thông: Đi bao nhiêu, thu bấy nhiêu! - Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Sinh

- Ông Đỗ Văn Sinh: Việc huy động vốn BOT cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước. Trong thời gian qua, chúng ta đã huy động 167.000 tỉ đồng vốn BOT cho đầu tư giao thông.

Tuy nhiên, hình thức này đã bộc lộ một số vấn đề cần phải khắc phục sớm. Thứ nhất là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, đến nay chúng ta mới chỉ có các nghị định để hướng dẫn. Thứ hai là trong quá trình triển khai có những khiếm khuyết, như khi thực hiện BOT chúng ta chưa xác định tài sản này là của ai, nhà nước hay chủ đầu tư. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi nếu xác định được là tài sản của ai thì mới có thể quản lý được.

Theo tôi, bất kỳ công trình nào xây dựng trên đất đai của quốc gia thì đó là tài sản của quốc gia, của nhân dân và vì vậy phải quản lý theo hình thức gần như là đầu tư công. Ngay từ đầu chúng ta đã không xác định được điều này nên trách nhiệm chuyển cho chủ đầu tư. Điều này dẫn đến từ khâu đề xuất dự án, phê duyệt kỹ thuật, tổng dự toán, giám sát thi công, chỉ định thầu… đều do chủ đầu tư làm hết.

Cũng vì thế, vai trò giám sát, kiểm sát của nhà nước chưa được phát huy. Đấy là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến hàng loạt vấn đề liên quan đến BOT trong thời gian qua.

BOT giao thông: Đi bao nhiêu, thu bấy nhiêu! - Ảnh 2.

Trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa đặt trên Quốc lộ 1 bị người dân phản đốiẢnh: Xuân Hoàng

* Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có chỉ đạo rà soát toàn bộ các trạm BOT trong cả nước. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Theo tôi, đây là chỉ đạo kịp thời. Lý do quan trọng nhất là vì thời gian qua chúng ta chưa thông tin minh bạch, không công khai để người dân biết làm một con đường hết bao nhiêu tiền, thời hạn thu phí bao nhiêu năm, lộ trình giảm thu như thế nào… Do vậy, tổng rà soát là cách để chúng ta "quyết toán" dứt điểm những bất cập của BOT giao thông.

* Vì sao trong khi người dân phản đối, đòi dời trạm thì Bộ GTVT chỉ khăng khăng đưa ra phương án miễn, giảm phí?

- Đầu tư một trạm thu phí không phải ít tiền, có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng. Người ta đã đầu tư rồi mà bây giờ đập phá đi thì lãng phí. Cái sai đã xảy ra, giờ chúng ta phải giải quyết sao cho ít gây lãng phí tiền của. Tôi nghĩ, Bộ GTVT đang cân nhắc khía cạnh này.

Nói chung, chúng ta phải thu phí minh bạch, đi bao nhiêu thu bấy nhiêu chứ không thể đi 5 km mà thu toàn tuyến 30 km.

Bộ GTVT phải giải quyết hài hòa lợi ích

* Tình trạng phổ biến hiện nay là chủ đầu tư BOT xây dựng đường tránh và sửa chữa lại một ít quốc lộ (QL) rồi đặt luôn trạm lên đấy. Một số chuyên gia đề xuất nhà nước mua lại phần dự án này để dời trạm thu phí BOT về lại đường tránh cho đúng vị trí. Theo ông, đề xuất này có hợp lý?

- Nếu ngân sách nhà nước dồi dào thì chúng ta đã không cần đến BOT. Cũng có thể, ở những trường hợp kinh phí không quá lớn thì đó có thể là giải pháp nhưng về tổng thể thì khó. Trong thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục thu hút đầu tư bằng hình thức BOT.

* Vậy phương án mua lại bằng Quỹ Bảo trì đường bộ thì sao?

- Quỹ Bảo trì đường bộ là để duy tu bảo trì thường xuyên cho hệ thống giao thông trên toàn quốc, sử dụng cho những công trình đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình triển khai. Nếu sử dụng quỹ để mua lại thì sau này đường sá hư hỏng thì lấy gì để bảo trì, sửa chữa.

Nhà nước không thể bỏ ra một số tiền hàng chục ngàn tỉ để mua lại công trình BOT. Chúng ta còn phải làm rất nhiều việc khác, xây dựng thêm rất nhiều cơ sở hạ tầng.

Vấn đề quan trọng là Bộ GTVT phải giải quyết hài hòa giữa nhà nước quản lý, lợi ích nhà đầu tư và quyền lợi của người dân.

Đề xuất miễn, giảm giá vé BOT trên QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT về phương án miễn, giảm giá vé BOT trên QL 5 (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đề xuất, tất cả phương tiện lưu thông qua trạm thu phí BOT trên QL5 giảm giá vé từ 12% - 25%, tùy loại phương tiện; miễn 100% giá vé đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn của người dân và 50% đối với cơ quan, tổ chức khu vực lân cận trạm trong bán kính 5 km.

Đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mức đề xuất giảm giá vé chung cho các loại phương tiện tối đa 20%, áp dụng trong 2 năm. Thời điểm dự kiến miễn, giảm bắt đầu từ ngày 1-11-2017.

V.Duẩn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo