Ngoài các dự án BOT giao thông trên Quốc lộ (QL) 1 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý, tại tỉnh Đồng Nai còn có nhiều dự án BOT ở các tỉnh lộ, đường huyện, xã…
Cụ thể, theo số liệu từ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, gồm: dự án cải tạo, nâng cấp QL1; dự án xây mới, cải tạo QL1 và tuyến tránh TP Biên Hòa (nay là đường Võ Nguyên Giáp); dự án cải tạo QL1K; dự án cải tạo QL51; dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới - hầm chui Tam Hiệp - cầu vượt Amata; dự án xây dựng cầu An Hảo.
Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có 4 tỉnh lộ được đầu tư theo hình thức BOT, gồm các dự án ở rộng đường 768, đường 760, 319 và đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng ra vào các mỏ đá ở khu khai thác khoáng sản Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa. Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh eo hẹp, BOT là một kênh cần thiết để xây dựng các công trình giao thông.
Dù vậy, sự thiếu minh bạch, mập mờ trong việc đặt trạm, thu phí khiến người dân cảm thấy bị "móc túi" một cách vô lý mà việc phản đối trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa vừa qua là một điển hình.
Đáng nói là các dự án BOT tại Đồng Nai không chỉ giăng khắp vùng trung tâm mà còn vây các huyện nghèo. Chẳng hạn, như ở huyện Vĩnh Cửu, tại tuyến đường 16,8 km từ ngã 3 Gạc Nai (TP Biên Hòa) qua huyện Vĩnh Cửu đến cầu Thủ Biên (giáp ranh với tỉnh) Bình Dương đặt 2 trạm thu phí BOT.
Còn dự án cầu An Hảo nối ngã tư Vũng Tàu với Cù lao Phố dài gần 500 m, bắc qua nhánh sông Đồng Nai có tổng vốn đầu tư gần 339 tỉ đồng, khánh thành vào giữa năm 2017. Khi cầu được đưa vào sử dụng, người dân vui mừng vì không có trạm thu phí. Thế nhưng, nhiều người đã "té ngửa" khi họ bị gộp thu vào dự án cầu Đồng Nai mới. Theo đó, việc thu phí của cầu An Hảo được thực hiện theo hình thức "BOT nối dài" vào dự án cầu Đồng Nai mới - hầm chui Tam Hiệp - cầu vượt Amata. Đáng nói là chủ đầu tư sau khi thực hiện các dự án BOT "nối dài" này được cho ưu đãi thu phí cộng dồn lên nhiều năm tại trạm thu phí cầu Đồng Nai mới. Việc tính toán không rạch ròi như trên sẽ khiến phương tiện qua cầu An Hảo không mất phí nhưng nhiều xe cộ qua cầu Đồng Nai trong nhiều năm sau đó vẫn phải còng lưng trả phí oan.
Quảng Nam giảm phí 2 trạm, Quảng Bình 1 trạm cứ lần lữa
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết qua buổi làm việc vào ngày 25-9, 2 chủ đầu tư 2 trạm thu phí trên QL1 ở Quảng Nam đã thống nhất giảm giá vé qua trạm cho các phương tiện, mức giảm đang được tính toán.
Đó là trạm thu phí đặt ở xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn (do Công ty CP Xây dựng Công trình giao thông 545 làm chủ đầu tư) và trạm thu phí đặt ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư). Khoảng cách của 2 trạm thu phí chỉ cách nhau 53 km, cùng với mức thu phí cao nên thời gian qua, người dân phản đối quyết liệt.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam, 2 trạm thu phí miễn 100% phí cho ô tô của người dân 2 xã lân cận; giảm 50% giá vé cho phương tiện của người dân ở 2 huyện lân cận. Trong khi đó, từ ngày 1-8, Trạm BOT Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chính thức miễn giảm cho gần 10.000 chủ phương tiện được đăng ký khớp với hộ khẩu thì chủ đầu tư BOT Tasco tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đến nay vẫn chưa chịu triển khai miễn giảm phí cho chủ phương tiện có hộ khẩu trong khu vực đặt trạm với lý do chưa hoàn tất phương án tài chính.
T.Thường - Minh Tuấn
Bình luận (0)