Được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt cuối năm 2015, Đề án Thu phí tự động không dừng (ETC) có 2 giai đoạn. Giai đoạn 2016-2019, áp dụng cho 1-2 làn thu phí trên mỗi chiều xe chạy với thanh chắn giữ nguyên. Từ năm 2020, áp dụng với tất cả làn xe của các trạm thu phí trên toàn quốc, toàn bộ thanh chắn sẽ được dỡ bỏ.
Lo độc quyền, thiếu cạnh tranh
Ngày 14-12-2015, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án thu phí không dừng áp dụng cho 28 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. Trong đó, bộ chỉ định liên danh Công ty CP Tasco - Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Tasco - VETC) là chủ đầu tư của dự án theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).
Dịch vụ thu phí tự động được áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio nhận diện tự động phương tiện có gắn thẻ E-tag dán lên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ E-tag, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT, cho biết đến nay, tổng cục đã ký hợp đồng với 26/27 nhà đầu tư BOT. Dự kiến đến ngày 30-9, tất cả các trạm vận hành thương mại sau 1 tháng chạy thử ETC sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Theo ông Huyện, lắp đặt hệ thống thu phí không dừng là thêm "một con mắt" nữa để người dân tin tưởng vào tính công khai, minh bạch trong việc thu phí BOT. Vì vậy, các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ triển khai, không thể lùi thêm.
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng nhà đầu tư hoàn thiện chế tài thu phí không dừng, bảo đảm cho nhà đầu tư hoàn vốn. Trường hợp nhà đầu tư VETC vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Sau khi lắp đặt, tất cả các hệ thống BOT sẽ phải kết nối dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Nhà đầu tư nào không lắp đặt hệ thống, sau ngày 30-10 sẽ buộc dừng thu phí.
Tại cuộc họp về tiến độ lắp đặt hệ thống ETC mới đây, đại diện một số nhà đầu tư BOT tỏ ý băn khoăn khi phải ký với một đơn vị cung cấp dịch vụ được Bộ GTVT lựa chọn là VETC. Theo họ, điều này sẽ dẫn tới tình trạng độc quyền, thiếu tính cạnh tranh.
Hệ thống thu phí tự động sẽ thay thế việc thu theo kiểu thủ công ở các trạm BOT hiện nay
Bà Từ Thị Bích Nguyệt, đại diện Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, cho biết đã 7 lần đàm phán về ETC nhưng vẫn chưa thống nhất với đơn vị cung cấp dịch vụ. Theo bà Nguyệt, nhà nước chỉ nên giao VETC cung cấp, lắp đặt thiết bị phần mềm và chuyển công nghệ cho nhà đầu tư BOT để tự quản lý thu thì chủ trương bảo đảm tính khả thi. Thậm chí, các nhà đầu tư BOT sẵn sàng thực hiện ngay.
Bà Nguyệt dẫn tình huống khi các trạm thu phí BOT đối mặt sự ùn tắc, căn cứ nào để khẳng định ETC sẽ bảo đảm hạn chế hoặc tránh được tình trạng này? Khi xe chưa dán thẻ E-tag hoặc tiền trong thẻ hết, dẫn đến việc thất thu hoặc ách tắc giao thông phải "xả trạm", thì đơn vị nào đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư BOT?
Trả lời việc này, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định không có chuyện Bộ GTVT ép các nhà đầu tư. Nhà đầu tư nào chưa thỏa mãn với điều khoản đàm phán thì có quyền tìm nhà cung cấp khác nhưng nhà cung cấp đó phải được Bộ GTVT chấp thuận, đồng thời phải chịu trách nhiệm tự kết nối và truyền dữ liệu về hệ thống.
Không nên áp đặt
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, đồng tình với việc áp dụng thu phí tự động bởi không chỉ hạn chế gian lận mà còn giảm chi phí nhân lực, thời gian thu phí. Đặc biệt, khi đó, nhà đầu tư kiểm soát được nhân viên, nhà nước kiểm soát được nhà đầu tư.
Ông Sanh cho rằng sự nghi ngại của nhà đầu tư là dễ hiểu bởi ngay từ đầu, liên danh Tasco - VETC được Bộ GTVT chỉ định là nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí ETC là không hợp lý. Đáng lẽ phải để nhà đầu tư tự mua sắm trang bị thiết bị hoặc tự lựa chọn nhà cung cấp, không nên áp đặt một nhà đầu tư cung cấp cho toàn bộ trạm BOT. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định việc lựa chọn Tasco - VETC đã được Chính phủ đồng ý trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT.
TS Phạm Sanh cho rằng Tổng cục Đường bộ Việt Nam không nên "vươn tay" dài như vậy mà chỉ nên đưa ra giải pháp kỹ thuật. Bởi lẽ, nếu dịch vụ này bị lỗi, sai số dẫn đến thất thu của nhà đầu tư BOT, họ có thể kiện tổng cục vì đã giới thiệu nhà cung cấp.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh để thống nhất một đầu mối quản lý, việc các nhà đầu tư BOT muốn tự quản lý hệ thống thu phí không dừng là không thể.
"Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về tổng cục quản lý, không có chuyện để cho đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư" - ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Bình luận (0)