Ngày 12-9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 do Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức.
Đa dạng mô hình
Thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nội dung trọng tâm được các đại biểu dành khá nhiều thời gian để thảo luận. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, mô hình PPP với sự tham gia của tư nhân được xem là một trong những phương thức hiệu quả nhất để triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy việc áp dụng PPP đang mang đến những thay đổi lớn cho diện mạo nền kinh tế. Đến thời điểm hiện tại đã có 336 dự án PPP ký kết hợp đồng (140 dự án BOT, 188 dự án BT và 8 dự án áp theo hình thức khác). Các dự án này đã huy động được khoảng 1.609.295 tỉ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia. Đặc biệt, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu và quản lý đầu tư từ "Đầu tư công - Quản lý công" sang "Đầu tư công - Quản lý tư", "Đầu tư tư - Sử dụng công" triển khai thành công tại một số địa phương.
Mặc dù Chính phủ đang nỗ lực thực hiện PPP và giải quyết các xung đột khi thực hiện dự án, nhưng ông Đoàn Giang, chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID), cho rằng việc thực hiện PPP ở Việt Nam còn có nhiều vấn đề. Theo ông Giang, việc lựa chọn nhà đầu tư ít được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu. "Khi hỗ trợ thực hiện PPP ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các dự án chưa được nghiên cứu kỹ. Điều này ngăn cản sự tham gia của các nhà đầu tư nghiêm túc, các nhà đầu tư mang lại lợi ích lớn nhất cho người dân" - ông Đoàn Giang nói. Ngoài ra, đại diện USAID cũng nhấn mạnh, khuôn khổ pháp lý PPP tại Việt Nam chưa thống nhất, chồng chéo, còn bị cản trở bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị vào ngày 12-9
Khuyến khích kinh tế tuần hoàn
Theo nhận định của các chuyên gia tại hội nghị, kinh tế tuần hoàn đang nổi lên như một trong những giải pháp để phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trong nền kinh tế này, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng. "Mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế" - ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển. Do đó, chủ trương phát triển bền vững đã được nhất quán và lồng ghép xuyên suốt trong mọi chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới mô hình kinh tế không rác thải. "Cần có các chính sách khuyến khích hoạt động sản xuất, tái sản xuất theo mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy các dự án năng lượng sạch" - Thủ tướng khẳng định và yêu cầu tập trung đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng sự thay đổi của công nghệ. Thủ tướng cho biết sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững năm 2019, gồm nhiều nội dung mới và sát với thực tế hiện nay.
Doanh nghiệp hưởng lợi
Từ góc nhìn doanh nghiệp (DN) về phát triển bền vững, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, nhìn nhận một DN phát triển bền vững phải bảo đảm được 3 phương diện chính: tăng trưởng bền vững của DN đóng góp vào tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội và chung tay bảo vệ môi trường.
"Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, DN gặp rất nhiều thách thức, tốn kém chẳng hạn như sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, ít gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những lợi ích to lớn, những lợi thế cạnh tranh lâu dài và những cơ hội kinh doanh cho DN" - bà Thái Hương chia sẻ.
Bình luận (0)