Sáng 16-10, khoảng 500 công nhân may mặc của Công ty TNHH MTV U World Sport Việt Nam (UWS - đồi 30, thôn Khánh Tân, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi.
Hàng trăm công nhân ngừng việc đòi quyền lợi
Theo các công nhân, khi ký hợp đồng làm việc, mức lương cơ bản của họ được 2,9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn các khoản phụ cấp như tiền chuyên cần 200.000 đồng/tháng, tiền sinh hoạt (tiền xăng) 250.000 đồng/tháng, tiền vệ sinh, tiền phụ nữ 70.000 đồng/tháng, tiền chuyên môn (tùy theo tay nghề), tiền tăng ca...
Video: Hàng trăm công nhân ngừng việc
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 9, Công ty UWS bất ngờ chuyển sang cách tính lương "ăn theo sản phẩm". Theo đó, các công nhân phải làm ra sản phẩm tương đương với tiền lương 2,9 triệu đồng/tháng mới được nhận các khoản tiền trợ cấp trên. Ngược lại, nếu không làm đủ định mức thì các công nhân chỉ nhận được tiền trợ cấp chuyên cần 200.000 đồng/tháng.
Theo các công nhân, định mức sản phẩm mà công ty đưa ra quá cao, khó có thể đạt được. "Cắt tiền chuyên môn thì chúng tôi có thể chấp nhận chứ tiền sinh hoạt, tiền xăng mà cắt đi thì chẳng lẽ chúng tôi đổ nước để chạy xe hay sao" – một công nhân bức xúc.
Công ty và cơ quan chức năng tổ chức đối thoại
Một điều khác khiến các công nhân bức xúc là việc công ty "ép" công nhân tăng ca quá nhiều. Theo các công nhân, theo luật thì mỗi công nhân không được tăng ca quá 30 giờ/tháng nhưng công ty bắt các công nhân tăng ca vào các ngày trong tuần, thứ bảy, chủ nhật, kể cả ngày lễ.
Tính ra, mỗi tháng một công nhân phải tăng ca từ 50-70 tiếng. Để "hợp thức hóa", công ty yêu cầu công nhân ký biên bản "tự nguyện" tăng ca nhưng các công nhân cho rằng thực chất là "ép buộc". Nếu ai không tăng ca thì sẽ bị lập biên bản và nếu "ăn" 3 biên bản sẽ bị đuổi việc.
Video: Sau khi cơ quan chức năng đến làm việc đã tổ chức đối thoại với các công nhân
Cũng theo các công nhân, trước đây, công nhân tăng ca sẽ được tính tiền làm thêm giờ theo như trong hợp đồng ký kết nhưng mới đây, sau khi chuyển sang tính lương theo sản phẩm, công ty lại thông báo kể từ ngày 15-10, công nhân tăng ca sẽ không được tính tiền thêm giờ. Điều này như giọt nước tràn ly, đẩy những bức xúc của các công nhân lên đến đỉnh điểm khiến họ ngừng việc tập thể để phản ứng.
Trước sự việc này, sáng 16-10, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, Sở LĐ-TB-XH tỉnh cùng các cơ quan liên quan của huyện Phú Ninh đã đến làm việc với công ty và tổ chức buổi đối thoại với các công nhân. Buổi đối thoại ban đầu chỉ cho phóng viên Báo Quảng Nam dự, chỉ sau khi có sức ép từ hàng trăm công nhân thì công ty mới cho các phóng viên khác vào.
Đại diện công ty hội ý với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam
Tại buổi đối thoại, đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, cho rằng qua nắm thông tin ban đầu, Công ty UWS đã không thực hiện đúng các quy định khi buộc các công nhân tăng ca quá giờ, điều chỉnh cách tính lương khiến mức lương của công nhân bị giảm so với trước đây là không đúng theo luật định...
Video: Bà Cao Thị Trâm, trợ lý tổng giám đốc công ty, chấp nhận giữ cách tính lương và chế độ chính sách cũ
Sau khi nhận góp ý của cơ quan chức năng và nghe các ý kiến của công nhân, bà Cao Thị Trâm, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty UWS, thông báo sẽ tạm thời áp dụng các chế độ chính sách như trước đây.
Đại diện công ty phải "xuống nước"
Thời gian tới, công ty sẽ làm việc với các ngành chức năng để làm sao có những điều chỉnh hợp lý, vừa đảm bảo quyền lợi của công nhân vừa đảm bảo cho sự phát triển của công ty. Bà Trâm giải thích thêm rằng cách tính lương trước đây không công bằng cho những người làm việc tốt nên muốn thay đổi cách tính nhưng không ngờ bị các công nhân phản ứng như vậy.
Bình luận (0)