Bộ Luật Lao động hiện hành được thông qua ngày 18-6-2012 tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 - ngày lễ tôn vinh người lao động trên khắp thế giới. Sau hơn 6 năm đi vào cuộc sống, Bộ Luật Lao động cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Qua quá trình thảo luận, lấy ý kiến các cấp, các ngành, các giới, đặc biệt là ý kiến của những người trực tiếp lao động, sản xuất thời gian qua có thể thấy nổi lên một số vấn đề còn những quan điểm khác nhau, đồng thời cũng liên quan mật thiết tới người lao động. Đó là những quy định về thời giờ làm việc, giờ làm thêm tối đa, tuổi nghỉ hưu, ngày nghỉ lễ...
Theo dự thảo dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), cơ quan soạn thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì đề xuất quy định công nhân, lao động phải làm 48 giờ/tuần. Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Về độ tuổi nghỉ hưu, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62 và nữ từ 55 lên 60 theo lộ trình.
Có nhiều lý lẽ, viện dẫn, căn cứ... để đưa ra các đề xuất trên nhưng có thể nhận thấy ngay rằng có nhiều đề xuất thụt lùi so với hiện tại. Phải rất lâu chúng ta mới đạt được những quy định về thời gian làm việc như bộ luật hiện hành, trong đó cán bộ, công chức từ lâu đã áp dụng chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Thế nhưng, dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lại quy định công nhân, người lao động phải làm việc 48 giờ/tuần. Đây rõ ràng là một sự bất công đối với người lao động. Tương tự là mở rộng khung giờ làm thêm cũng là một sự thụt lùi khi lẽ ra ngày càng phải có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình cho người lao động...
Nước ta vừa thoát nghèo để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, cần làm việc và lao động chăm chỉ hơn để thoát bẫy thu nhập trung bình. Song điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc phải lao động nhiều hơn, vất vả hơn. Quan điểm phổ quát chung trên thế giới hiện nay đã đánh giá, nhìn nhận khác về chất lượng cuộc sống hay chỉ số hạnh phúc của các quốc gia cũng như người dân. Hạnh phúc không chỉ là thu nhập cao, mà các yếu tố khác như môi trường, giáo dục, y tế, lao động và nghỉ ngơi... đang ngày càng trở thành những tiêu chí quan trọng hơn.
Không có lý do gì khi kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, chúng ta lại đi ngược lại những tiến bộ mà phải trải qua thời gian dài mới đạt được; đi ngược lại xu hướng tiến bộ chung, nhất là những tiến bộ ấy là vì lợi ích của những công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất cũng là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Bình luận (0)