Ngày 24-3, Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó trưởng Ðoàn Chuyên trách Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM Hà Phước Thắng cho biết dự án luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 trong tháng 5-2022 và sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 4 trong tháng 10-2022. Nếu được thông qua, đây là dự luật đầu tiên quy định cụ thể về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thống nhất cao
Phó trưởng Ðoàn Chuyên trách Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM nhấn mạnh đây là một dự thảo luật hết sức quan trọng, được tích hợp từ những quy định của Chính phủ liên quan việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dự thảo luật gồm 6 chương, 49 điều, với các điểm mới: bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Góp ý cho dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ông Trần Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết khi hệ thống mặt trận tổ chức lấy ý kiến về dự thảo luật này với 337 hội nghị và hơn 15.500 người tham dự, nhiều ý kiến đều thống nhất về việc ban hành dự luật này rất cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định.
Ðồng tình, ông Lê Mạnh Hà, Công an TP HCM, cũng khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; khẳng định bản chất nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ðồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Theo ông Hà, luật này ra đời sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập, phát sinh trong quá trình thực hiện Pháp lệnh 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, Nghị định 04/2015 và Nghị định 145/2020 của Chính phủ; tạo ra quy định thống nhất, đồng bộ và thực hiện hiệu quả việc phát huy dân chủ trong nhân dân. Ông Hà cho hay dự thảo chưa nêu rõ, đầy đủ phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" như Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi nhận. Do đó, cần thể chế hóa các nội dung trên vào trong thực tiễn đời sống, bởi đây là thước đo cho sự hiệu quả của chính sách này khi được ban hành.
Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào sáng 24-3
Góp phần chống quan liêu, tham nhũng
Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HÐND TP HCM Nguyễn Minh Nhựt đánh giá việc nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội cũng là một biện pháp góp phần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở và ở cơ sở.
Theo ông Nhựt, giá trị cần được tôn trọng khi thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhân quyền, công bằng xã hội để bảo đảm các cơ hội ngang nhau cho mọi người, nâng cao trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân để cùng nhau giải quyết các vấn đề xã hội chung. Từ đó, ông kiến nghị cần quy định rõ cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân về những nội dung đã đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên, sau phần giải trình của cơ quan thẩm quyền, cần xem xét lại tỉ lệ đồng thuận của người dân đối với các ý kiến giải trình đó.
Trong khi đó, ông Trương Thế Trọng, TAND TP HCM, cho rằng dự thảo chưa quy định về quyền đề xuất của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Họ chỉ bàn và quyết định các nội dung được đề xuất sẵn.
Nhận định việc này chưa phát huy hết tính dân chủ trực tiếp của các chủ thể, ông Trọng kiến nghị quy định thêm quyền được đề xuất của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Quy định này không chỉ thể hiện cao nhất quyền làm chủ mà còn tận dụng tối đa trí tuệ để xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị nói riêng và đất nước nói chung. Ngoài ra, ông Trọng còn kiến nghị cần quy định các chế tài phê bình, kỷ luật đối với những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chưa tốt; sử dụng kết quả đánh giá thực hiện dân chủ để làm cơ sở đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác hằng năm của cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Nghĩa đề nghị bổ sung quy định "Tự mình đề xuất ý kiến, sáng kiến về thực hiện dân chủ ở cơ sở, không trái với Hiến pháp, pháp luật và được 1/3 người dân cùng sinh sống tại cộng đồng dân cư đồng ý". Ông cũng cho rằng nên có một điều quy định về khen thưởng trong việc thực hiện dân chủ tại cơ sở để khích lệ những cá nhân, đơn vị, tổ chức thực hiện tốt công tác này. Nếu có xử lý kỷ luật thì cũng phải có khen thưởng để tạo cơ chế hài hòa, phát huy hiệu quả trong thực thi pháp luật.
Bình luận (0)