Việc sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) ra sao? Vì sao phí BOT bủa vây khi đã có phí BTĐB với nguồn thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm?... Những câu hỏi mà dư luận đặt ra phần nào sáng tỏ qua hội nghị do Quỹ BTĐB trung ương tổ chức tại Hà Nội vào sáng 26-9.
Thu tăng nên chi nhiều
Báo cáo kết quả sau 5 năm hoạt động của Quỹ BTĐB (2013-2017), ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB trung ương, cho biết trước khi thành lập quỹ này, hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài gần 280.000 km. Trong đó quốc lộ (QL) gần 16.800 km, đường tỉnh 25.449 km, đường huyện 51.720 km, đường đô thị 17.025 km, đường chuyên dùng 7.837 km và trên 161.136 km đường xã.
Cũng trước khi thành lập quỹ, từ năm 2010-2012, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được phân bổ trung bình khoảng 2.000 tỉ đồng/năm cho toàn bộ công tác bảo trì đường QL. Số kinh phí này chỉ đáp ứng được khoảng 20%-30% ở cả trung ương và địa phương.
Quỹ BTĐB được thành lập năm 2013, nguồn tài chính hình thành từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện là ô tô và ngân sách nhà nước (NSNN) cấp. Cụ thể, năm 2013 thu phí sử dụng đường bộ được 5.435 tỉ đồng; năm 2014 là 4.924 tỉ đồng; năm 2015 thu được 5.703 tỉ đồng; năm 2016 thu được 6.388 tỉ đồng và năm 2017 dự kiến sẽ thu được trên 7.000 tỉ đồng. Ngoài ra, trong 5 năm, NSNN cũng cấp hơn 14.000 tỉ đồng cho Quỹ BTĐB.
Về việc sử dụng quỹ, ông Minh nêu rõ 5 năm qua, Quỹ BTĐB trung ương đã phân chia về các quỹ BTĐB địa phương trên 10.000 tỉ đồng để hòa chung với nguồn ngân sách của địa phương thực hiện công tác bảo trì hệ thống đường địa phương. Do nguồn thu tăng nên chi cho công tác bảo trì quốc lộ tăng đáng kể. Nếu như năm 2013 chi trên 5.000 tỉ đồng thì đến năm 2017 tăng lên trên 8.000 tỉ đồng.
Quỹ BTĐB trung ương cũng đã giao kế hoạch chi các năm và chuyển vốn cho Tổng cục Đường bộ thực hiện trên 33.000 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, Tổng cục Đường bộ sửa chữa trên gần 77 triệu m2 mặt đường; khắc phục trên 1.000 cây cầu yếu; xử lý trên 600 "điểm đen" về an toàn giao thông; bổ sung, thay thế trên 13.000 biển báo hiệu đường bộ; gia cố lề, mở rộng trên 1.000 km mặt đường 3,5-5 m thành mặt đường đường lớn hơn 5,5 m…
Các phương tiện qua trạm thu phí trên Quốc lộ 5 vừa đóng phí bảo trì đường bộ vừa trả phí BOT
Chịu thiệt vì một đường 2 phí
Theo báo cáo trên thì trong 5 năm, tổng nguồn Quỹ BTĐB đạt con số khổng lồ, hơn 43.450 tỉ đồng, trong đó nguồn thu trong dân đạt gần 6.000 tỉ đồng/năm. Điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao nguồn thu do dân đóng góp lớn như vậy lại phải gánh thêm phí BOT?
Về vấn đề này, trả lời báo chí tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, thông tin hiện toàn quốc có 575.000 km đường, trong đó QL là 23.000 km. Quỹ BTĐB được dùng để sửa chữa, bảo dưỡng tất cả các loại đường, từ QL, tỉnh lộ tới đường liên thôn, liên xã, trong khi nguồn vốn chỉ đáp ứng được khoảng 43% nhu cầu thực tế.
Riêng các công trình BOT chỉ khoảng 2.000 km, chiếm 10% so với các tuyến QL và chỉ chiếm khoảng 1% so hệ thống đường của cả nước. Nguồn thu phí BOT phục vụ hoàn vốn đầu tư và bảo trì 2.000 km đường BOT này.
Theo ông Huyện, 2 nguồn quỹ trên khác nhau và quan điểm cho rằng người dân vừa đóng phí vào Quỹ BTĐB vừa đóng phí BOT là "phí chồng phí" không đúng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định về tổng thể thì không có hiện tượng phí chồng phí nhưng ở từng tuyến đường cụ thể, việc người dân, doanh nghiệp vừa phải đóng phí BTĐB vừa phải đóng phí BOT thì có sự bất hợp lý này.
Ông Thanh dẫn chứng ô tô chạy tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng qua QL5 cũ, ngoài đóng phí BTĐB theo đầu phương tiện còn phải đóng phí BOT. "Rồi các tuyến đường Hà Nội đi Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình…, mấy trạm BOT chồng lên nhau. Chỉ trong 100 km họ phải trả phí BOT mấy lần và đương nhiên họ vẫn phải trả phí BTĐB theo đầu phương tiện hằng năm. Rõ ràng là "phí chồng phí" còn gì" - ông Thanh quả quyết. Theo ông Thanh, cần phải chấm dứt ngay tình trạng một đường 2 phí này.
Sự thật là trong khi bắt buộc đóng phí BTĐB lại phải è cổ mua vé qua 88 trạm thu bủa vây chỉ trên 2.000 km đường QL đã dẫn đến sự phản đối quyết liệt của người dân, giới tài xế đối với BOT giao thông thời gian qua.
TP HCM thiếu tiền bảo trì đường bộ
Ông Nguyễn Văn Tám - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, Chủ tịch Quỹ BTĐB TP HCM - cho biết từ khi thành lập đến nay, Quỹ BTĐB trung ương đã bàn giao cho TP HCM 683,4 tỉ đồng, tương đương 13,92% tổng vốn thu để BTĐB trên địa bàn TP. Với số tiền này, TP HCM chỉ thực hiện duy tu, bảo trì được 180 công trình đường bộ. Trong khi đó TP đang quản lý 4.400 km đường với tổng diện tích 61,3 km2, cùng 1.196 cây cầu, 841 chốt đèn tín hiệu giao thông.
Với nguồn tài chính trên chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, TP chỉ tập trung giải quyết những việc cấp bách, bảo trì, sửa chữa các tuyến đường thật sự cần thiết mà chưa thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng định kỳ, kỳ hạn quy định. Điều này dẫn đến hạ tầng giao thông nhanh xuống cấp, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Do đó, ông Nguyễn Văn Tám kiến nghị Quỹ BTĐB trung ương cần nghiên cứu cơ chế, giải pháp để tăng thêm nguồn thu; tăng tỉ lệ phân bổ quỹ và sớm giao dự toán vốn dự kiến năm để thực hiện dự án.
Th.Đồng
Bình luận (0)