Tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo và nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tổng Bí thư đề cập đến chặng đường hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam. Qua đó khẳng định rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Với nhiệm kỳ 2018 - 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người lao động.
Đặc biệt, ngày 12-6-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Quán triệt các Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn đã vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.
Theo đánh giá của Tổng Bí thư, với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp công đoàn tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19. Mô hình tổ chức bộ máy của công đoàn ngày càng được hoàn thiện; chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng bước được nâng cao.
Sau nhiệm kỳ với nhiều dấu ấn quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, tiến bộ của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cả nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư cũng nêu rõ những mặt hạn chế cần khắc phục thời gian tới. Theo Tổng Bí thư, mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn có mặt chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động.
Một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu sâu sát, năng lực hạn chế, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm nên không nắm được tâm tư, nguyện vọng và không phát huy đầy đủ vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Về chất lượng đội ngũ công nhân, người lao động, Tổng Bí thư cho biết có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập. Còn không ít những đoàn viên, người lao động có trình độ nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở chưa tương xứng với sự phát triển của doanh nghiệp, người lao động, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nhiều nơi chất lượng đoàn viên chưa cao, nhất là về nhận thức chính trị; cá biệt còn một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, làm những việc sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trên đây có trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Do đó, Đại hội cần quan tâm thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân tồn tại, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp khắc phục cho bằng được trong nhiệm kỳ này.
Gợi mở một số vấn đề để Đại hội xem xét, quyết định, Tổng Bí thư đề nghị trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Tổng Bí thư nhấn mạnh hoạt động của công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; công đoàn cần tích cực phối hợp với nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
"Trong quá trình tổ chức hoạt động, công đoàn phải phát huy quyền làm chủ của người lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Làm sao để tổ chức công đoàn các cấp thực sự là hạt nhân tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trong cả nước"- Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư yêu cầu công đoàn phải giúp cho mỗi đoàn viên, người lao động nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, về giai cấp, về tổ chức công đoàn, trách nhiệm công dân, không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, tích cực tham gia các phong trào thi đua,... để đóng góp cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước; từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình.
Tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh công đoàn các cấp cần đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, chia sẻ với đoàn viên, người lao động. Đổi mới hình thức tuyên truyền, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, lao động; nhất là kiên trì, sáng tạo trong tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh việc các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Theo Tổng Bí thư, đằng sau câu hỏi này phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động.
Nêu rõ bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, tác động đến việc làm, thu nhập của người lao động, Tổng Bí thư đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, người lao động.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; góp ý với đảng viên, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ với hình thức phù hợp...
Theo Tổng Bí thư, Đại hội lần này sẽ bầu ra Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII. Do đó, các đại biểu dự Đại hội cần nêu cao trách nhiệm, sáng suốt, công tâm lựa chọn những đồng chí thật sự tiêu biểu về bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có năng lực, uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm cao vào Ban Chấp hành.
Trước khi kết thúc phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn và tin tưởng rằng nhiệm kỳ 2023 - 2028 - nhiệm kỳ hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tổ chức công đoàn và phong trào công nhân, lao động Việt Nam sẽ có bước phát triển mới, lập nên những thành tích to lớn, ấn tượng hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đất nước và dân tộc; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Bình luận (0)