* Phóng viên: Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra những mục tiêu nào, thưa ông?
- Ông HỒ TẤN MINH - Chánh văn phòng, người phát ngôn Sở GD-ĐT TP HCM: Ngành GD-ĐT TP HCM đặt mục tiêu phát triển theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô lẫn cơ cấu, chất lượng; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển GD-ĐT đạt trình độ tương đương khu vực và thế giới
Đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, TP HCM phấn đấu bảo đảm cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia. Mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế". TP HCM có ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên có cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; 100% trường phấn đấu xây dựng trường học thông minh.
TP HCM bảo đảm sĩ số 30 - 35 học sinh (HS)/lớp ở các bậc học; 30% trường từ tiểu học bảo đảm đủ điều kiện tự chủ. 80% HS THPT thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ). HS tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% HS có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế. 100% HS phổ thông biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật/nhạc cụ và luyện tập ít nhất 1 môn thể thao.
100% cơ sở giáo dục ở TP HCM sẽ kết nối với các cấp quản lý giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia và địa phương; 100% HS được tiếp cận không gian học tập hiện đại trên nền tảng số; 100% người học và nhà giáo có đủ điều kiện tiếp cận hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các hoạt động dạy - học trực tuyến. Đến năm 2030, 50% cơ sở giáo dục ở TP HCM đạt các tiêu chuẩn trường học hạnh phúc; đến năm 2045, mỗi năm học có thêm ít nhất 10% cơ sở đạt tiêu chuẩn này.
Ngành GD-ĐT TP HCM tiếp tục xây dựng chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới và có tầm nhìn chiến lược...
* Đến năm 2030, TP HCM cần 12.263 phòng học để đạt chuẩn sĩ số 30 - 35 HS/lớp. Ngành GD-ĐT thành phố sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu này khi áp lực dân nhập cư tăng khiến thời gian qua, nhiều lớp học có sĩ số hơn 50 HS/lớp?
- UBND TP HCM đã phê duyệt đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc triển khai đề án là nhiệm vụ rất cấp thiết, đáp ứng yêu cầu GD-ĐT của thành phố. Mục tiêu là đến năm 2025, thành phố đạt 4.500 phòng học các cấp từ mầm non đến phổ thông.
Qua rà soát cho thấy tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2023-2025 là 277 dự án, xây mới 5.934 phòng học, với mức đầu tư khoảng hơn 32.200 tỉ đồng. Trong đó, nhóm 1 là các công trình trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 thuận lợi về thủ tục hồ sơ, có thể ưu tiên giao vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Có 118 dự án với 2.872 phòng học xây dựng mới, tổng mức đầu tư hơn 17.045 tỉ đồng, nhu cầu vốn dự kiến hơn 13.224 tỉ đồng.
Nhóm 2 là các công trình trường học đề xuất mới, chưa được đưa vào kế hoạch trung hạn nhưng khả thi, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Nhóm này hiện có 76 dự án với 1.357 phòng học xây dựng mới, tổng mức đầu tư hơn 6.099 tỉ đồng, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến hơn 6.096 tỉ đồng. Đây là nhóm thuận lợi về pháp lý đất đai, quy hoạch để triển khai đầu tư nhanh, đáp ứng nhu cầu cấp bách về chỗ học hiện nay.
Nhóm 3 là các công trình trường học thuận lợi về pháp lý đất đai, có thể tháo gỡ các nội dung liên quan để đẩy nhanh đầu tư. Có 83 dự án với 1.705 phòng học xây dựng mới, tổng mức đầu tư hơn 9.063 tỉ đồng, nhu cầu vốn dự kiến hơn 8.732 tỉ đồng, có thể đẩy nhanh tháo gỡ để kịp khởi công trong quý I/2025. Trong đó, ưu tiên đầu tư ở 8 địa phương khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nhiều phòng học gồm: quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn và TP Thủ Đức.
Các dự án không thực hiện đầu tư công sẽ đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó thí điểm đầu tư 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trên cơ sở đề xuất của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, toàn TP HCM dự kiến có 110 dự án với quy mô 2.638 phòng học, vốn dự kiến 541.052 tỉ đồng thực hiện kêu gọi xã hội hóa.
Trước đó, từ năm 2023, Sở GD-ĐT TP HCM đã có kế hoạch làm việc với TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về thực hiện đề án xây dựng 4.500 phòng học, phấn đấu đến năm 2025 đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3 - 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM. Đồng thời, giải quyết tình trạng quá tải chỗ học; đáp ứng nhu cầu trường lớp, phòng học nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 được Bộ GD-ĐT ban hành; phát triển, hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp, giáo dục bảo đảm 100% HS được học 2 buổi/ngày và sĩ số HS/lớp đạt chuẩn quy định.
* TP HCM được Bộ GD-ĐT "đặt hàng" thí điểm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, để từng bước thực hiện Kết luận 91/2024 của Bộ Chính trị. Ngành GD-ĐT TP HCM đã có kế hoạch cụ thể và giải pháp gì, thưa ông?
- Tại một hội thảo mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã đánh giá cao quyết tâm của TP HCM trong việc tiên phong đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Thứ trưởng kỳ vọng đến năm 2025, TP HCM có thể xây dựng xong đề án này và xác định rõ lộ trình cũng như các giải pháp thực hiện.
Về phía TP HCM, theo TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT, thành phố cũng đã đưa ra một số định hướng, giải pháp mà trường học cần tập trung. Cụ thể, xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh thuận lợi, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Đổi mới phương pháp dạy, học tiếng Anh; chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, ứng dụng tiếng Anh trong thực tế.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, giáo viên các môn học có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu dạy học trong môi trường hội nhập quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh, học tập kinh nghiệm tiên tiến từ các nước đã thực hiện thành công việc phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học và những nước có nền giáo dục phát triển.
8 nhiệm vụ, giải pháp
UBND TP HCM đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển GD-ĐT thành phố đến năm 2030.
Cụ thể: Triển khai các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT; tạo động lực đổi mới và phát triển ngành GD-ĐT thành phố; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm yêu cầu về chất lượng; bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tăng cường hội nhập quốc tế.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành một đề án mang tầm quốc gia về đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Trong đó, chú trọng các giải pháp về nguồn lực, cơ chế, chính sách, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên bản ngữ hợp tác, làm việc tại Việt Nam...
Bình luận (0)