Ông PHẠM ANH THẮNG - Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ LĐ-TB-XH tại TP HCM:
Nâng chất nguồn nhân lực
Giữa bối cảnh của công nghệ số, chuyển đổi số nhưng các doanh nghiệp (DN) lại đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận người lao động (NLĐ). Thực tế, số lao động đã qua đào tạo rất nhiều nhưng có bằng cấp, chứng chỉ lại ít. Mặt khác, NLĐ đang có sự dịch chuyển dần về các địa phương. Với cùng một mức lương, họ có xu hướng chọn địa phương có mức sống thấp hơn.
Để khắc phục khó khăn trong việc tạo việc làm và tuyển dụng, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và cạnh tranh khu vực, quốc tế. Đẩy mạnh các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao; đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo gắn với DN; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động phục vụ tái cơ cấu sản xuất, thích ứng với thay đổi của khoa học và công nghệ.
Hiện cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo NLĐ cho DN. DN cần chủ động liên kết với các cơ sở này đào tạo NLĐ để có lực lượng lao động có tay nghề. Ngoài ra, DN cũng cần quan tâm các phúc lợi cho NLĐ bên cạnh chính sách tiền lương, như nhà ở, nhà trẻ; đồng thời tôn trọng và tạo cơ hội phát triển cho NLĐ.
Bà TRẦN THỊ THÙY TRÂM, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai:
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Nhằm duy trì và phát triển thị trường lao động ổn định, bền vững, tôi cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: nâng cao hiệu quả của sàn giao dịch việc làm; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và đoàn thể để hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ, cung cấp dịch vụ tư vấn việc làm cho những người hưởng bảo hiểm thất nghiệp… Những giải pháp này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN mà còn hỗ trợ các nhóm lao động khó khăn tiếp cận việc làm, góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động, hợp tác kết nối cung - cầu từ trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành, khu vực, nhằm tạo cầu nối giữa NLĐ ở các địa phương với DN có nhu cầu tuyển dụng. DN cũng cần được đưa trực tiếp đến các địa phương ngoài tỉnh để tuyển dụng lao động.
Ông DƯƠNG TẤN MINH, Trưởng Phòng Tư vấn - Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương:
Liên kết cung ứng lao động
"Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn" là một tọa đàm thiết thực, cung cấp nhiều ý kiến hữu ích về nghịch lý cung - cầu lao động.
Hiện nay, thị trường tuyển dụng diễn ra tình trạng "nơi thiếu, nơi thừa", đây là thách thức lớn. Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng là hơn 60.000 lao động nhưng mới đáp ứng được một nửa. Do đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai ứng dụng việc làm, giúp kết nối hiệu quả giữa NLĐ với DN. Sắp tới, một ứng dụng bảo hiểm thất nghiệp sẽ ra mắt, hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm.
Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng ấp ủ ý tưởng phối hợp với các địa phương phát triển ứng dụng cung - cầu lao động kết nối 20 tỉnh, thành phía Nam, giúp lan tỏa thông tin tuyển dụng, hỗ trợ hơn 1 triệu lao động thất nghiệp tìm việc.
Bà TRẦN THỊ QUỲNH HOA, Giám đốc Công ty TNNH Công nghệ Vua Thợ:
Xây dựng môi trường làm việc linh hoạt
Việc kết nối giữa DN và NLĐ hiện còn nhiều khó khăn. Vì thế, Vua Thợ đã xây dựng nền tảng công nghệ kết nối giữa NLĐ (thợ xây, thợ mộc, giữ trẻ, sửa xe…) với người sử dụng dịch vụ. Chúng tôi mong muốn xây dựng môi trường lao động linh hoạt vì giới trẻ hiện nay thích tự do, trải nghiệm, tìm nơi làm việc thích hợp. Vua Thợ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để NLĐ lựa chọn làm việc ở đâu, thu nhập thế nào, mức độ hài lòng của khách… Điều này giúp họ nâng cao kỹ năng, thái độ đối với ngành nghề của mình.
Chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng môi trường làm việc cho NLĐ với các yếu tố linh hoạt, bền vững và ổn định. Khảo sát thực tế cho thấy nhiều trường nghề có cơ sở vật chất tốt nhưng không có người học. Vua Thợ đang kết nối, hợp tác với các trường để trang bị máy móc, kỹ năng cho học viên. Qua đó, nâng cao hiệu quả đào tạo và đáp ứng nhu cầu tìm việc của học viên sau khi hoàn thành khóa học.
Bà LÊ THỊ BÍCH HẰNG, đại diện Ban Giám đốc Công ty CP In số 7:
Mở ra cơ hội việc làm cho người lao động
Mỗi năm, cả nước chỉ có hơn 100 lao động được đào tạo trong lĩnh vực in ấn, khiến nguồn nhân lực trong ngành này trở nên khan hiếm. Nhằm đối phó với việc thiếu hụt lao động có tay nghề, DN đã tự đào tạo nhân lực để tồn tại và phát triển.
Một trong những giải pháp đáng chú ý là chương trình "40 công nhân kỹ thuật", trong đó DN trực tiếp tuyển dụng và đào tạo đội ngũ công nhân. Đối với ngành in, để NLĐ có thể sử dụng thành thạo máy in thì cần 2-3 năm đào tạo. Nhờ chương trình này, DN đã xây dựng được đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đồng thời giúp nhiều thợ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực.
DN từng kỳ vọng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay lập tức nhưng không khả thi và DN vẫn phải đào tạo lại. Song, điểm mạnh của lao động trẻ ngày nay là sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết. Nhận thấy tiềm năng này, DN đã mở cơ hội cho sinh viên năm 3 - 4 thực tập có lương tại công ty.
Việc này vừa góp phần phát triển ngành vừa tạo việc làm bền vững cho NLĐ. Qua đó, phần nào giải quyết khó khăn trong tuyển dụng và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng.
Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Chú trọng đào tạo nghề cho người lao động
Qua ý kiến tâm huyết của các đại diện Bộ LĐ-TB-XH và DN tại tọa đàm, tôi nhận thấy để xây dựng một thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả và bền vững cần bắt đầu từ công tác đào tạo NLĐ trước khi tham gia thị trường lao động. Có như vậy, NLĐ mới dễ tìm được công việc phù hợp và có nền tảng sự nghiệp vững chắc.
Xu hướng học nghề gia tăng thời gian qua cho thấy nhiều phụ huynh thay đổi quan điểm "phải làm thầy" tồn tại lâu nay. Nhiều gia đình đã bắt đầu đánh giá cao việc học nghề trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng. Không chỉ có nghề, giỏi nghề mà NLĐ còn phải giỏi công nghệ.
Tọa đàm là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của DN; cũng là dịp để tìm ra những giải pháp khả thi giúp NLĐ và DN tìm thấy nhau một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đặc biệt, những ý kiến tâm huyết của các DN cũng được đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH ghi nhận, từ đó tham mưu để bộ có những quyết sách xây dựng một thị trường lao động bền vững hơn.
Ban Tổ chức cảm ơn các đơn vị đã đồng hành với tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn":
Chuyên trang Việc Làm Tốt (thành viên Chợ Tốt); Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ; Công ty CP In số 7; Công ty TNHH Công nghệ Vua Thợ; Ngân hàng số Cake By VPBank; Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM.
Bình luận (0)