Những ngày qua, báo chí, mạng xã hội thông tin vụ việc một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác "Khaisilk - Made in Vietnam" vừa có mác "Made in China". Ông chủ Khaisilk cũng đã thừa nhận và cúi đầu xin lỗi. Sự thật này khiến dư luận "nổi giận".
Lừa gạt, gian dối
Hơn 30 năm gầy dựng thương hiệu với mặt hàng tơ tằm thuần Việt, cái tên Khaisilk đã nổi tiếng và vươn ra khỏi ranh giới quốc gia. Rất nhiều sự kiện ngoại giao lớn đã dùng sản phẩm của Khaisilk làm quà tặng cho bạn bè quốc tế khiến người Việt cũng cảm thấy rất tự hào.
Vậy mà, đùng một cái, ông chủ Tập đoàn Khaisilk thừa nhận lâu nay đã nhập lụa Trung Quốc về bán với lụa tơ tằm Việt nhưng cùng gắn mác "Made in Vietnam".
"Đây là cú sốc lớn cho niềm tin vào thương hiệu Việt của người tiêu dùng. Dù thanh minh cách gì thì cũng khó nhận được sự cảm thông, tha thứ bởi Khaisilk đã lừa gạt, gian dối, phỉ nhổ vào tình cảm, sự tin yêu của người Việt Nam đối với hàng Việt Nam" - bạn đọc Huy Lê bức xúc.
Bạn đọc Hoang Minh Thai kể lại câu chuyện bản thân phải "trả giá" vì mua phải hàng "dỏm" của Khaisilk. "Năm 2001, một nhân viên của tôi mua quà lụa Khaisilk tặng khách hàng. Khi về bên Đức, họ nói hàng Trung Quốc, không phải hàng Việt Nam. Cho rằng chúng tôi thiếu tôn trọng, họ bỏ luôn chuyện làm ăn với chúng tôi. Tức giận vì nghĩ nhân viên gian dối, tôi đã cho anh ta nghỉ việc. Mười mấy năm mới biết ra mình đã nghĩ oan cho 1 người" - bạn đọc Hoang Minh Thai kể.
Cửa hàng Khaisilk trên đường Đồng Khởi, TP HCM đã đóng cửa. Ảnh chụp vào chiều ngày 27-10 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều bạn đọc nói thẳng việc sử dụng hàng "Made in China", sau đó thay bằng "Made in Vietnam", dùng tên Khaisilk làm bảo chứng để bán giá trên trời là hành vi "treo đầu dê, bán thịt chó". Nói theo ngôn ngữ pháp luật, đó là hành vi làm sai lệch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
"Một doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Khaisilk không thể nói vì nhân viên sơ suất, ông chủ thiếu kiểm soát nên dẫn đến vụ bê bối vừa qua. Cũng không thể không biết việc làm của mình là vi phạm đạo đức kinh doanh và pháp luật. Chẳng qua vì tham lam nên đã bất chấp, cố ý lừa đảo người tiêu dùng một cách có hệ thống với số lượng lớn và thời gian dài. Vì vậy, không thể chỉ xử phạt hành chính, thu hồi sản phẩm mà phải mở rộng điều tra vụ việc và khởi tố nếu có dấu hiệu hình sự" - bạn đọc Tuấn Minh đề xuất.
Cơ quan chức năng ở đâu?
Trả lời báo chí, ông Hoàng Khải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khaisilk, thừa nhận việc bán khăn Trung Quốc đã diễn ra từ những năm 90 của thế kỷ trước chứ không phải mới. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, chúng ta có Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Hội Bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan kiểm soát, quản lý như công an kinh tế, hải quan, quản lý thị trường, thuế, UBND cấc cấp…; vì sao có thể để vụ gian lận thương mại quá lớn, "qua mặt" dễ dàng suốt bao nhiêu năm như vậy?
"Nếu các cơ quan làm hết trách nhiệm, nhiều người tiêu dùng đã không mất tiền oan bởi những sản phẩm hàng hiệu "dỏm"; thương hiệu Việt cũng không bị tổn hại; niềm tin của người Việt vào hàng Việt không bị tổn thương đến vậy. Vụ việc này, các cơ quan chức năng liên quan không thể thoát khỏi trách nhiệm" - bạn đọc Anh Quân nêu ý kiến.
Cũng theo bạn đọc, vụ việc Khaisilk chỉ là phần nổi của tảng băng bởi trong thực tế còn rất nhiều ngành nghề kinh doanh theo kiểu này, mua "nguyên đai nguyên kiện" từ Trung Quốc, về tới Việt Nam "phù phép" thành "Made in Vietnam" nhưng chưa bị phát hiện. "Điều người tiêu dùng mong muốn là được sử dụng hàng chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp chân chính sẽ khó cạnh tranh nổi; người tiêu dùng Việt Nam cũng không còn tin vào vào hàng mang dòng chữ "Made in Vietnam" - bạn đọc Mai Anh cho biết.
Bình luận (0)