Giám đốc điều hành một doanh nghiệp (DN) du lịch tại Ninh Bình cho biết DN sẵn sàng trả lương cao, tăng đãi ngộ nhưng việc tuyển dụng nhân lực có trình độ, nhất là vị trí quản lý và dịch vụ cao cấp, đến Ninh Bình làm việc rất khó khăn.
Đào tạo chưa theo kịp nhu cầu
Theo Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, từ đầu năm đến nay, lượng khách ở các thị trường đều tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, điều làm đơn vị lữ hành này đau đầu chính là thiếu tới 20% nhân lực tại nhiều bộ phận nhưng chưa tuyển dụng được, nhất là nhân sự chất lượng cao, quản lý.
Tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đánh giá ngành du lịch đang phục hồi rất nhanh, nhu cầu việc làm lớn nhưng DN không tuyển được lao động đáp ứng nhu cầu, đặc biệt ở các vị trí quản lý cấp cao. Nhân lực của ngành hiện vừa thiếu số lượng vừa yếu chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp.
Trung bình mỗi năm ngành du lịch cần bổ sung khoảng 60.000 lao động. Nhưng các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên (SV)/năm, trong đó tỉ lệ được đào tạo chuyên nghiệp chỉ chiếm 43%. "Việt Nam vẫn thiếu quy hoạch tổng thể về đào tạo du lịch, các chương trình ở các cấp, ngành nghề chưa cập nhật, chưa theo kịp được xu hướng hay công nghệ mới" - ông Khánh nói.
Còn ông Đoàn Hữu Hiển, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vận chuyển Du lịch Sao Vàng (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho rằng DN du lịch nào cũng mong muốn có những sản phẩm có sức cạnh tranh nhưng rất khó tuyển nhân lực chất lượng cao để thực hiện. Không chỉ hiện nay mà từ lâu, việc tuyển dụng những vị trí quản lý cấp trung, cao rất khó, kể cả trả lương cao.
Thực tế, nhận thức, tư duy của không ít lao động đã tốt nghiệp đại học ngành du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Nhiều SV tốt nghiệp nhưng trình độ ngoại ngữ, nền tảng kiến thức về lịch sử, văn hóa... còn yếu. Đây là điểm nghẽn của ngành và cần có sự vào cuộc của Nhà nước, DN và nhà trường để tháo gỡ nút thắt này. "Nhà nước cần ưu tiên xây dựng và thực hiện chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch phù hợp các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động" - ông Hiển góp ý.
Cần sự đột phá
Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, cho rằng sự liên kết đào tạo giữa DN, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đang trở nên cấp thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch.
Trong đó, nhà trường, DN cần bắt tay nhau để có sự đột phá trong đào tạo nhân lực du lịch. Một trong những mô hình đầy triển vọng về đào tạo nhân lực du lịch, văn hóa hiện nay là dự án "Vườn ươm tài năng văn hóa du lịch" được kỳ vọng tạo ra nguồn nhân lực hạt nhân cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Dự án đã thành công trong việc kết nối 60 trường cao đẳng, đại học trong cả nước đào tạo về chuyên ngành văn hóa và du lịch, xây dựng mạng lưới giảng viên, chuyên gia, diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế để đào tạo các chuyên đề cho SV. Mô hình này không chỉ dành riêng cho SV ngành du lịch mà cả người lao động dịch vụ du lịch ở địa phương, vùng sâu, vùng xa thông qua đào tạo trực tuyến.
Các chuyên gia hàng đầu về du lịch cũng nhấn mạnh phải đầu tư tập trung cho những cá nhân tài năng trong ngành du lịch bằng các chương trình học bổng của Chính phủ. Cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ và DN để đầu tư vào công nghệ và các chương trình thực tập quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vị thế ngành du lịch của Việt Nam.
Mới đây, dự án "Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam" với mục đích phát triển ngành du lịch nước ta bền vững, toàn diện hơn đã chính thức ra mắt. Dự án sẽ cung cấp nội dung và phương pháp giảng dạy chất lượng cao nhờ sự chuyển giao chuyên môn từ các trường đại học hàng đầu thế giới về ngành quản lý du lịch, nhà hàng và khách sạn của Thụy Sĩ.
Chương trình dành cho đội ngũ quản lý trung và cao cấp, cũng như các nhân viên nhiều kinh nghiệm muốn hướng đến vị trí quản lý trong bối cảnh Việt Nam thiếu hụt lãnh đạo và quản lý cấp cao ngành quản trị du lịch, khách sạn.
Bình luận (0)