Mô hình 4B: Build (phát triển nhân tài nội bộ), Buy (tuyển dụng từ bên ngoài), Borrow (hợp tác và thuê ngoài chuyên gia) và Bridge (nâng cao năng lực cho nhân viên yếu kém theo định hướng nhân văn) là giải pháp toàn diện cho vấn đề thiếu hụt nhân tài. Sự kết hợp linh hoạt giữa các yếu tố này không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) quản lý nhân tài hiệu quả mà còn xây dựng nền tảng vững chắc để duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài.
Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng
Theo bà Nguyễn Tâm Trang, Tổng Giám đốc nhân sự Công ty CP GreenFeed Việt Nam (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), tính bền vững trong DN thường gắn liền với các yếu tố con người, môi trường, xã hội và quản trị. Trong đó, con người và xã hội là thách thức lớn nhất do sự phức tạp và ảnh hưởng đến hiệu quả các chương trình phát triển nhân sự.
Chiến lược 4B được xem là giải pháp tối ưu hóa nguồn lực, bảo đảm đúng người ở đúng vị trí và tạo cơ hội cho những nhân viên (NV) không phù hợp tìm hướng đi mới. Phương pháp này giúp DN quản lý hiệu quả nguồn lực, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng trước biến động nhân sự trong thời đại số hóa. Tại GreenFeed, tập trung vào phát triển chuyên môn, văn hóa và kỹ năng mềm, giúp mỗi NV phát triển toàn diện.
"Khi NV được phát triển tốt, DN sẽ vững bền hơn. Vì vậy, GreenFeed luôn gắn kết chiến lược tăng trưởng bền vững với sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (DEI). Cam kết xây dựng môi trường làm việc cởi mở, nơi mỗi cá nhân đều được khuyến khích và có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng" - bà Trang nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc nhân sự toàn quốc Công ty TNHH Akzo Nobel Việt Nam (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương), cho rằng DEI là yếu tố thiết yếu trong các chiến lược phát triển con người. "Dù không phải khái niệm mới, để triển khai hiệu quả, DN cần hiểu đúng bản chất của DEI và thay đổi nhận thức từ bộ phận nhân sự đến từng NV" - bà Hương nhấn mạnh.
Ở Akzo Nobel thường xuyên thực hiện các chương trình đào tạo DEI theo phương thức hấp dẫn, giúp NV nhận thức rõ tầm quan trọng của sự đa dạng và hòa nhập trong môi trường làm việc. Những chương trình này không chỉ nhằm loại bỏ định kiến mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực của tất cả NV trong xây dựng văn hóa làm việc cởi mở.
Bà Hương cho biết thêm bộ phận nhân sự tại DN của bà thiết lập các chỉ số hiệu suất chính (KPI) để theo dõi và đo lường hiệu quả của các chương trình DEI. Điều này giúp công ty đánh giá tác động của các sáng kiến DEI đến sự phát triển của tổ chức và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết, bảo đảm mọi nỗ lực mang lại giá trị thiết thực cho tất cả các bên liên quan.
Đầu tư mạnh vào con người
Trong bối cảnh mở rộng hợp tác toàn cầu và cạnh tranh gay gắt, các DN phải đối mặt với thách thức lớn trong việc cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực.
Bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc Dịch vụ Nhân sự thuê ngoài Công ty CP Kết nối Nhân tài - Talentnet (quận 1, TP HCM), đánh giá đầu tư vào con người không chỉ là quyết định chiến lược mà còn mang lại lợi nhuận lâu dài. Khi DN chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực, họ không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo dựng môi trường làm việc tích cực, nơi mỗi NV đều được trân trọng và có cơ hội phát huy tiềm năng.
"Tại sao chúng ta phải làm điều này cho nguồn lực quý giá nhất của mình? Câu hỏi này sẽ giúp xác định mục tiêu và định hướng hoạt động phát triển nhân sự, đồng thời khuyến khích mọi thành viên đều hiểu rõ giá trị đóng góp của mình" - bà Trân phân tích.
Còn theo ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ (quận Phú Nhuận, TP HCM), việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu. Để mô hình 4B được áp dụng hiệu quả, DN cần linh hoạt điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển.
Ông Thông cho biết tại PNJ, mọi người đều được xem là nhân tài với những đóng góp được trân trọng. Ngoài thu nhập cao, NV cần một người lãnh đạo tài năng và cơ hội phát triển. Công ty áp dụng chế độ thưởng cổ phiếu để khuyến khích NV có trách nhiệm với sự phát triển chung. Nhân tài chính là nền tảng giúp cho "tòa nhà DN" vững chắc.
Chị Phan Thị Ngọc Thủy (28 tuổi) - với 5 năm kinh nghiệm làm việc ở một DN tại quận 7, TP HCM về marketing - cho biết tại nơi làm việc, chị và nhiều NV khác được khuyến khích tham gia các khóa đào tạo và hội thảo chuyên môn nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức trong lĩnh vực mình phụ trách. Qua đó, tạo cơ hội cho NV chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm, góp phần hình thành một môi trường học hỏi tích cực.
Chính sách đãi ngộ công bằng và hợp lý của DN cũng đóng vai trò quan trọng. "Làm việc thoải mái, với trang thiết bị hiện đại và môi trường cởi mở, tôi có thể tự do thể hiện ý tưởng. Sau 1 năm làm việc xuất sắc, tôi đã được thăng chức lên vị trí quản lý dự án" - chị Thủy bày tỏ.
Phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc
Bà Nguyễn Tâm Trang cho rằng hiện nay dù DN đều công nhận con người là tài sản quý nhất nhưng khi gặp khó khăn là nhóm đầu tiên bị cắt giảm. Điều này tạo ra thách thức cho lãnh đạo và bộ phận nhân sự. Công việc của bộ phận nhân sự càng trở nên phức tạp khi DN đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và yêu cầu phát triển bền vững. Do vậy, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, điều quan trọng là phải tự hỏi lý do cần thực hiện điều đó.
Khái niệm phát triển bền vững đã được nhắc đến từ năm 2008 và hiện là yêu cầu bắt buộc. Đầu tư vào đào tạo là cần thiết nhưng chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ để đạt được sự phát triển bền vững thực sự.
Bình luận (0)