Bị sa thải không chỉ mất đi nguồn thu nhập, tệ hơn là không biết phải giải thích lý do thế nào với nhà tuyển dụng tiếp theo. Để sang trang mới trên hành trình sự nghiệp, người lao động (NLĐ) cần xây dựng lại thương hiệu cá nhân như thế nào? Đó là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở.
Sốc tâm lý
Hơn 10 năm làm kế toán cho một công ty bất động sản, mới đây chị Trần Đan Thanh (ngụ quận 10, TP HCM) bị sa thải chỉ vì bất đồng quan điểm với cấp trên.
Trước đó, doanh nghiệp (DN) nơi chị làm việc thay đổi kế toán trưởng, dẫn đến tình trạng sổ sách không được liền mạch. Sau khi công ty tuyển dụng kế toán trưởng mới, vị này thiết lập lại toàn bộ quy trình làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng nhân viên. Trong quá trình làm việc, chị và kế toán trưởng có nhiều bất đồng. "Thời điểm đó, nếu tiếp tục làm việc, tôi sợ bị trách nhiệm sau này, còn tự nghỉ việc thì hồ sơ xin việc mới (CV) sẽ không tốt. Gần 1 tháng sau đó, tôi mất việc" - chị Thanh kể.
Công ty thu hẹp quy mô cũng khiến anh Nguyễn Tuấn Việt (ngụ quận 10, TP HCM), cửa hàng trưởng của một siêu thị điện máy, bị mất việc. Công việc ổn định gần 20 năm, mất việc đột ngột khiến anh bị sốc tâm lý. Anh Việt cho biết hiện tuổi đã hơn 40, tìm việc làm tiếp theo khá khó khăn. Bởi trong CV không liệt kê công việc bị sa thải, trong khi công việc trước đây anh rất tự hào.
Doanh thu trong quý II/2024 giảm mạnh, chị Nguyễn Thị Vân (TP Thủ Đức, TP HCM), nhân viên kinh doanh tại một hệ thống gym, cũng bị sa thải với lý do làm việc không hiệu quả. "Dù tôi đã cố gắng giải thích sự trồi sụt này là do thời điểm, chứ không phải do bản thân không nỗ lực nhưng chủ vẫn cứ mặc kệ. Sắp tới, tôi sẽ dành thời gian học thêm chuyên môn để nâng cao năng lực bản thân và xin việc làm mới" - chị Vân nói.
Không nên bi quan
Nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng việc bị sa thải là cú sốc cho NLĐ, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ. Song NLĐ cũng đừng quá lo lắng, bởi việc từng bị sa thải không ảnh hưởng nhiều đến quá trình xin việc sau này.
Theo bà Thanh Nguyễn, CEO Công ty CP Anphabe (quận 1, TP HCM), khi bị buộc thôi việc, NLĐ hãy cố gắng tìm hiểu lý do đằng sau quyết định về sự ra đi của mình. Hãy đánh giá công việc trước đó từng được khen về điều gì, nếu còn thiếu sót thì phải khắc phục. Cần thu thập càng nhiều đánh giá càng tốt để cải thiện hiệu suất công việc trong tương lai. Đây chính là lúc để NLĐ nhìn nhận lại những gì đã làm được và chưa được.
Còn bà Ngô Mỹ Linh, Trưởng Phòng Marketing Công ty CP Adecco Việt Nam, cho rằng NLĐ khi bị sa thải không nên quá bi quan, mà xem đây là khoảng thời gian để bản thân nghỉ ngơi, xem xét lại toàn bộ hoàn cảnh trước khi tìm công việc mới. Mặt khác, NLĐ cần tận dụng thời gian này để trau dồi kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. "Việc này không chỉ giúp bản thân trở nên tự tin hơn khi ứng tuyển vào các vị trí mới, mà còn có thêm điểm nổi bật trong CV so với các ứng viên khác" - bà Linh nói.
Bên cạnh đó, NLĐ cũng cần giữ thái độ tích cực và chủ động tìm công việc mới phù hợp. Việc bị sa thải không phải là dấu chấm hết mà chỉ là một thử thách trong hành trình sự nghiệp. Hãy xem đây là cơ hội để mình có thể khám phá và phát triển bản thân. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần quyết tâm, các ứng viên sẽ nhanh chóng tìm được một công việc mới và tiếp tục sự nghiệp của mình.
Nhân sự luôn là bài toán khó
Bà Thanh Nguyễn cho rằng NLĐ hiện rất nhạy cảm với những biến động trong DN và thị trường. Khi cắt giảm nhân sự, dù giúp DN tiết kiệm các chi phí nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Bởi họ có thể sẽ trả giá cho những mất mát lớn hơn về năng suất lao động và lòng trung thành của nhân viên, nhất là nhóm nhân viên được giữ lại. "Vì vậy, việc cắt giảm nhân sự là một bài toán khó, cần được thực hiện cẩn thận và tỉnh táo, không nên chỉ vì tầm nhìn ngắn hạn trước mắt mà ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của DN" - bà Thanh Nguyễn phân tích.
Bình luận (0)