xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có nên tuyển lại nhân viên cũ?

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nhiều chuyên gia cho rằng việc tuyển lại người cũ có nhiều lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh cao

Chủ doanh nghiệp (DN) vì nhiều lý do mà tuyển lại nhân viên cũ. Thực tế cho thấy khi nghỉ việc, người lao động (NLĐ) vẫn giữ mối liên hệ với lãnh đạo, đồng nghiệp và bản thân họ là những người hiểu rõ về văn hóa DN, môi trường và quy trình làm việc... Điều đó cho thấy họ là ứng viên tiềm năng một khi có cơ hội quay lại.

Nuôi ong tay áo

Gần 20 năm kinh doanh trên thương trường, trưởng thành từ nhân viên kinh doanh, lên giám đốc kinh doanh vùng rồi trở thành giám đốc chi nhánh phía Nam, ông Hồ Đức Mạnh (42 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày người dưới quyền quay lưng với mình.

Sau đại dịch COVID-19, đầu năm 2022, một nhân sự cũ, cấp phó của ông Mạnh ngỏ ý xin về làm lại. Người này trước đây làm cùng ông 8 năm và là phó phòng phụ trách kinh doanh khá giỏi. Sau đó rời đi với lý do về quê phụng dưỡng cha mẹ già. Thấy đây là nhân sự đủ tin tưởng vì làm với nhau cũng lâu, hiểu tính nhau, ông Mạnh bổ nhiệm người này làm trưởng phòng kinh doanh phân phối kênh siêu thị. Làm được 2 năm thì tháng 2 vừa rồi anh ấy đột ngột xin nghỉ, mang theo cả số liệu khách hàng và nhân sự chủ chốt của công ty.

Doanh nghiệp cân nhắc kỹ nếu quyết định tuyển dụng lại nhân viên cũ. (Ảnh có tính minh họa)

Doanh nghiệp cân nhắc kỹ nếu quyết định tuyển dụng lại nhân viên cũ. (Ảnh có tính minh họa)

Chưa dừng lại đó, anh ta cũng tạo ra nhiều sự cố về hàng hóa, giá thành, khuyến mãi mà không hề báo cáo ban giám đốc khiến việc thu hồi công nợ, hàng hóa gặp khó khăn. Bài học đắt giá của ông Mạnh làm nổ ra cuộc tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích nhân sự kia vô ơn, "ăn cháo đá bát", người thì nói ông Mạnh chủ quan, tin người và không quản lý tốt. "Đau nhất khi tôi tìm hiểu mới biết người ta đã âm mưu lấy khách hàng và nhân sự của tôi ngay từ đầu. Anh ta làm cho một công ty đối thủ và khi đến làm cho tôi vẫn nhận lương thưởng bên công ty đó" - ông Mạnh chua chát.

Bà Lê Ngọc Hương, chủ một công ty công nghệ chuyên phát triển ứng dụng theo yêu cầu DN, cũng là nạn nhân khi tuyển lại người cũ. Giữa năm 2023, Bùi Hữu Kh. quay lại xin việc. Nể tình nhiều năm gắn bó nên bà Hương chào đón mà không suy nghĩ nhiều. Kh. là một lập trình cứng tay nghề, sẵn có đơn hàng nên bà Hương giao cho Kh. làm trưởng nhóm thiết kế. 

Dự án đáng lẽ bàn giao vào tháng 2-2024 nhưng vì Kh. đột ngột xin nghỉ việc nên bà Hương chậm trễ, phải đền hợp đồng cho khách. "Tôi cho người điều tra thì biết Kh. chủ động liên lạc với các khách hàng của tôi, đưa mức giá rẻ hơn giá tôi chào rất nhiều để giành khách hàng công ty. Tôi dọa kiện ra tòa nhưng có vẻ Kh. không còn tình người" - bà Hương bức xúc.

Nên cân nhắc kỹ

Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang tuyển dụng Việc Làm Tốt, cho rằng việc tái tuyển dụng nhân viên cũ mang lại một số lợi ích đáng kể cho DN. Việc này giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình tuyển dụng mới. Đồng thời tiết kiệm được thời gian sàng lọc ứng viên và đào tạo lại. Kinh nghiệm trong thời gian làm việc trước đó sẽ khiến nhân viên cũ thích nghi nhanh hơn, giúp họ phát triển năng lực sẵn có.

"Bên cạnh lợi ích, hạn chế dễ thấy của nhân sự cũ là khả năng rời đi lần nữa rất cao, bởi họ đã từng như vậy. Hơn nữa, tuyển nhân sự cũ có thể tạo ra tiền lệ không tốt trong suy nghĩ của nhân viên. Việc này sẽ khiến họ suy nghĩ, nghỉ việc vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào" - bà Ngọc đánh giá. 

Chính vì vậy, DN cần đánh giá lại một cách toàn diện nếu xem xét tuyển dụng người cũ. Đây là một trong những điều không thể thiếu khi tái tuyển dụng một nhân sự nào đó. Điều này bao gồm việc đánh giá năng lực, kiến thức chuyên môn, hiệu suất làm việc. Thậm chí nên có cam kết trong công việc dành cho nhân sự cũ.

Theo bà Phạm Lan Khanh, CEO FreelancerViet và Công ty CP Truyền thông số Flamingo, việc tuyển lại người cũ cũng có lợi mà cũng rủi ro. Người cũ có lợi thế là họ hiểu công ty, hiểu nhân sự và hiểu cả công việc nên sẽ hòa nhập nhanh hơn. Nhưng nếu tuyển người cũ thì nên theo nguyên tắc không để ngồi vị trí cao hơn hồi trước. Đây là cách thử thách sự nỗ lực, lòng trung thành của người cũ.

"Nguyên nhân khiến nhân viên cũ rời đi là yếu tố quan trọng quyết định xem có nên tái tuyển dụng hay không. Nếu vì lý do khách quan như công ty cắt giảm, kết thúc dự án hay vì người cũ có việc riêng gia đình thì có thể tuyển lại. Còn khi họ rời đi vì chế độ phúc lợi hay vì không hoàn thành công việc, xung đột lợi ích với lãnh đạo, với đồng nghiệp thì tuyệt đối không tuyển lại" - bà Khanh nhấn mạnh. 

Nhiều lý do quay lại

Theo Harvard Business Review, thiếu tình đồng nghiệp là lý do hàng đầu khiến NLĐ quay trở lại nơi làm việc cũ. Thêm nữa, công việc mới không phù hợp, không đáp ứng kỳ vọng; văn hóa công ty không như tưởng tượng, khó thích nghi nên NLĐ rất lạc lõng... cũng là tác nhân khiến họ muốn quay lại nơi cũ. Nghiên cứu cũng cho thấy nhân viên quay lại công ty cũ làm việc được tăng lương trung bình 25% so với mức lương tại thời điểm họ nghỉ việc.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo