Đào Thị Lan Phương (quận Tân Phú, TP HCM) hỏi: "Từ tháng 1-1998 đến tháng 12-2004 tôi làm việc tại một doanh nghiệp (DN) nhà nước. Từ tháng 1-2005, khi công ty CP hóa và tôi vẫn làm việc tại đây. Đến tháng 12-2014, công ty chuyển tôi sang làm việc tại một công ty con và tháng 9-2019 tôi xin nghỉ việc. Tuy nhiên, đến nay tôi chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp và chưa được chi trả trợ cấp thôi việc (TCTV) cho thời gian làm việc trước năm 2009. Xin hỏi trách nhiệm chi trả TCTV thuộc về công ty CP hay công ty con?".
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Điều 46 Bộ Luật Lao động quy định khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10, điều 34 của bộ luật này thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm trả TCTV cho người lao động (NLĐ) đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên. Thời gian làm việc để tính TCTV là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả TCTV, trợ cấp mất việc làm. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2, điều 188 Luật DN thì công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của DN độc lập theo quy định của pháp luật. Nghĩa là các công ty bình đẳng như các DN độc lập khác trong việc sử dụng lao động, giao kết hợp đồng lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của NSDLĐ theo quy định của pháp luật về lao động. Căn cứ các quy định trên, thời gian từ tháng 1-1998 đến tháng 12-2014 bà Phương làm việc cho công ty CP nhưng đến thời điểm chuyển sang công ty con DN này chưa thanh toán tiền TCTV cho bà thì phải có trách nhiệm chi trả TCTV cho bà.
Bình luận (0)