Vai trò của Công đoàn (CĐ) Thụy Điển trong việc cải thiện quan hệ lao động (QHLĐ) giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) như thế nào?
- Ông Erik Andersson:
Thụy Điển là quốc gia có tổ chức nên hầu như NLĐ hay bất kỳ ai cũng tham gia vào tổ chức hay nghiệp đoàn nào đó. Còn DN thì tạo điều kiện cho NLĐ thành lập nghiệp đoàn hay CĐ. Mục tiêu chung là xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và môi trường lao động tốt, mọi người đều được có quyền làm việc và lao động, xây dựng quy chế tiền lương và điều kiện lao động công bằng.
QHLĐ tốt là phải có thỏa ước lao động tập thể và các bên phải tôn trọng lẫn nhau. Từ năm 1936, để giải quyết tranh chấp giữa chủ và thợ trong xí nghiệp tư doanh, Liên minh Lao động tức CĐ và Liên minh giới chủ đã ký “Thỏa thuận Saltsjobaden” quy định trình tự, cơ cấu giải quyết tranh chấp giữa chủ - thợ và hạn chế đặc quyền quản lý của chủ xí nghiệp. Thỏa thuận trên được coi là bước ngoặt trong quan hệ chủ - thợ ở Thụy Điển, mở ra thời đại mới phối hợp và hợp tác giữa hai bên, có vai trò quan trọng để Thụy Điển ổn định xã hội và phát triển kinh tế từ đó về sau. Tiến lên một bước, năm 1976, Thụy Điển lại thông qua “Luật cùng giải quyết đời sống lao động”, xóa bỏ điều 32 của Điều lệ Liên minh giới chủ, tức từ giới chủ một mình quyết định vấn đề trước đây thành chủ và thợ cùng quyết định. CĐ có quyền tham gia những vấn đề trước đây do phía chủ quyết định, như chiến lược đầu tư, sản xuất...
Một từ thường được dùng để diễn tả QHLĐ tại Thụy Điển là “đồng thuận”...
- Đúng vậy. Mô hình Thụy Điển nổi tiếng toàn cầu chính là một thỏa thuận đạt được giữa DN và NLĐ vào năm 1938. CĐ và các tổ chức nghiệp đoàn của NLĐ theo đó mà hình thành. Hai nhóm chủ thể trong thị trường lao động tự thỏa thuận mà không cần nhà nước tham gia hay can thiệp. Ý tưởng cốt lõi là các bên tham gia, DN và NLĐ thông qua phối hợp và thương lượng đã đạt đến thỏa thuận chung. Đồng thuận không có nghĩa là các chủ thể luôn đồng ý với nhau nhưng thông qua quá trình thương lượng hòa bình, họ đạt được thỏa thuận chung mà cả hai bên có thể ký kết và đồng ý.
Ông có chia sẻ gì với hoạt động CĐ Việt Nam?
- Kinh tế Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, nếu CĐ không mạnh để đáp ứng sự phát triển đó thì dễ trở thành hiện tượng “miền Tây hoang dã” và công ty nước ngoài vào đầu tư, họ sẽ làm mọi cách để lạm dụng sức lao động của NLĐ Việt Nam. Do đó, CĐ mạnh sẽ bảo đảm phát triển bền vững hơn.
Để CĐ mạnh hơn, pháp luật phải trao cho CĐ vị thế và tiếng nói có tác động mạnh hơn trong thị trường lao động. Tuy ở Việt Nam đã có Luật CĐ, Bộ Luật Lao động nhưng vẫn chưa đủ mạnh, vẫn chưa trao cho CĐ quyền để đứng ra thương lượng, đàm phán với DN. Song song đó, các hoạt động của CĐ hiện nay chưa chú trọng nhiều đến quyền và lợi ích của NLĐ như BHXH, tiền lương, tiền thưởng và cải thiện môi trường làm việc an toàn cho NLĐ. Các hoạt động như tổ chức đá bóng, tổ chức ngày hội gia đình… rất đáng yêu nhưng đây chưa phải là vấn đề NLĐ cần.
Một điều nữa là tuy có quy định trách nhiệm của DN là không được cản trở, gây khó khăn trong quá trình CĐ làm việc với NLĐ nhưng chưa quy định cụ thể nên cũng ảnh hưởng đến việc bảo đảm sự tham gia thực chất của NLĐ trong thực tế.
Để tạo QHLĐ tốt, ngoài nỗ lực của CĐ, NLĐ phải hành xử như thế nào?
- Trong một số trường hợp NLĐ phải chia sẻ khó khăn cùng DN, NLĐ phải am hiểu pháp luật và phải mạnh dạn đấu tranh khi quyền và lợi ích bị xâm phạm.
Bình luận (0)