Trong đó, đề xuất tiếp tục duy trì đến hết năm 2021 việc áp dụng mức LTT theo tháng như hiện hành, chưa điều chỉnh LTT vùng đã được quy định trong Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Đồng thời, dự thảo khuyến nghị cũng đề xuất chưa ban hành mức LTT vùng theo giờ để đồng bộ với phạm vi, đối tượng áp dụng mức LTT theo tháng. Đề xuất trên dựa trên kết quả bỏ phiếu của các thành viên HĐTLQG ngày 5-8, với tỉ lệ 9/13 thành viên tham gia bỏ phiếu, đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam không tham gia bỏ phiếu. Đề xuất cũng được căn cứ trên tình hình thực tế từ tác động và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tới đời sống của doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ).
Trong dự thảo, HĐTLQG cũng phân tích rõ những ưu và nhược điểm. Về ưu điểm, đề xuất thể hiện được rõ ràng định hướng tạo điều kiện để DN chủ động sắp xếp sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh trong nước và quốc tế bị tác động từ đại dịch Covid-19, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các nước lớn.
NLĐ, DN và nhà nước cũng góp phần chia sẻ khó khăn và thực hiện trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho NLĐ theo Nghị quyết của Chính phủ; tạo thuận lợi cho NLĐ có cơ hội giữ được việc làm hoặc đang mất việc làm có cơ hội sớm quay lại thị trường lao động. Dự thảo cũng đề cập hạn chế của đề xuất là trong ngắn hạn, nếu chỉ số giá tiêu dùng của năm 2021 lên cao (trên 2,5 %) thì tiền LTT thực tế sẽ bị giảm so với mức sống tối thiểu.
Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất không điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong năm 2021 Ảnh: KHÁNH CHI
Dự kiến, cuối tháng 8-2020, HĐTLQG sẽ chính thức gửi báo cáo khuyến nghị LTT vùng 2021 tới Chính phủ. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ xem xét và có quyết định cuối cùng.
Bình luận (0)