Theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp (DN) đăng ký mới và quay lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay với 149.500 DN (tăng 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, số DN quay trở lại là 48.100 (tăng 48,3%). Điều đó cho thấy DN đã lấy lại niềm tin để phát triển sản xuất - kinh doanh sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
Sốt ruột tìm ứng viên
Tuy nhiên, tình hình lạm phát tăng cao ở các nước trên thế giới đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Song, cũng có một lượng lớn DN mở rộng sản xuất - kinh doanh cần tuyển lao động nhưng vẫn không tìm ra người.
Bà Trịnh Thị Bích Ngọc, phụ trách Phòng Nhân sự Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cường Thịnh Đạt (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết do nhu cầu mở rộng kinh doanh, công ty có kế hoạch tuyển thêm 20 nhân sự. Tuy nhiên, dù đã rao tuyển đủ cách nhưng công ty chỉ tìm được 2 người.
Tương tự, 6 tháng nay, dù đăng thông tin tuyển dụng khắp các kênh nhưng Công ty TNHH Rentokil Initial Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai vẫn không có được số lao động mình cần, chủ yếu ở các vị trí nhân viên kinh doanh, kỹ thuật, dịch vụ kiểm soát, kho, kế toán nội bộ. "Ngoài mức lương 8 - 12 triệu đồng/tháng, công ty còn có nhiều chế độ phụ cấp khác cho người lao động (NLĐ) nhưng lượng hồ sơ ứng tuyển không nhiều, khó tiếp cận nhất là vị trí nhân viên kỹ thuật" - bà Nguyễn Thị Vân, phụ trách tuyển dụng công ty, dẫn chứng.
Nhiều chuyên gia cho rằng một nghịch lý dễ thấy đối với thị trường lao động trong thời gian gần đây là tình trạng thiếu việc, thừa người khiến nhiều DN phải cắt giảm lượng lớn nhân sự. Trong khi đó, NLĐ có nhu cầu việc làm nhưng khó tìm được công việc ưng ý; DN thì "khát" lao động song tuyển dụng mãi không đủ chỉ tiêu. Để cung - cầu lao động tiệm cận nhau, việc dự báo thị trường lao động cần đẩy mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của NLĐ và DN.
Người lao động tìm việc tại một ngày hội việc làm ở TP HCM
Tận dụng ưu thế công nghệ
Theo bà Lê Ánh, người sáng lập và điều hành Lê Ánh HR, tuyển dụng là một trong những chức năng cơ bản của quản trị nguồn nhân lực và phòng nhân sự chịu trách nhiệm hầu hết các hoạt động tuyển dụng của tổ chức. Tuyển dụng phải luôn đổi mới để phù hợp với thị trường lao động đang biến đổi nhanh nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa có cách tuyển dụng hiệu quả.
"Nhiều người vẫn nghĩ cứ đăng tuyển lên báo, website việc làm là tuyển được nhân sự nhưng thực tế hiện đã khác" - bà Ánh nhận xét. Theo bà, người phụ trách phải có kế hoạch tuyển dụng cụ thể, trong đó xác định rõ nhu cầu, thời gian, kênh tuyển dụng và cả chi phí cho công việc này. Đặc biệt, phải xác định nhu cầu của DN để khoanh vùng và lọc ứng viên.
Đồng quan điểm, ông Hồ Văn Tâm, người sáng lập và điều hành InTalents, cho rằng định hình lại việc tuyển dụng là điều hết sức quan trọng. Ông Tâm đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ vào tuyển dụng đang là xu hướng trong quản trị nhân sự hiện đại và các DN chuyển đổi số áp dụng rất hiệu quả. "Hãy để công nghệ phụ giúp, thậm chí làm thay, từ việc lên ý tưởng, tìm kiếm ứng viên cho đến lên lịch hẹn phỏng vấn nhân sự tuyển dụng. Ứng viên là lao động qua đào tạo, nhân sự chất lượng cao đều ở trên không gian mạng. Không có lý do gì chúng ta không sử dụng công nghệ để tìm ứng viên và để ứng viên tìm mình" - ông Tâm nhấn mạnh.
Đánh giá về tình trạng thiếu hụt lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho rằng DN cần đầu tư duy trì môi trường làm việc an toàn để giữ chân nhân sự. Về phía NLĐ, sự thiếu chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề, tác phong công nghiệp… cũng góp phần không nhỏ trong việc làm mất cân đối cung - cầu lao động.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, điểm mấu chốt trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19 là bảo đảm thông tin thị trường lao động được thông suốt để người tìm việc gặp được việc mình mong muốn sớm nhất, thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm cần nhận thức được vai trò này của mình, tăng cường các phiên, sàn giao dịch việc làm, cung cấp thông tin thường xuyên tới NLĐ và DN.
TP HCM, Đà Nẵng cần tuyển dụng số lượng lớn lao động
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, dự kiến những tháng cuối năm 2022, thành phố cần khoảng 136.000 - 150.000 lao động. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 65,41%, công nghiệp - xây dựng 33,63% và nông - lâm nghiệp - thủy sản 0,96%. Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên chiếm 21,84%, cao đẳng 18,46%, trung cấp 25,88%, sơ cấp 20,4% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 13,42%.
. Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng vừa phối hợp với Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng tổ chức Ngày hội Việc làm sinh viên năm 2022. 124 DN tham gia ngày hội đã đăng ký tuyển dụng hơn 7.600 vị trí việc làm, trong đó hơn 1.000 vị trí đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Ngoài tìm việc làm, nhiều sinh viên, NLĐ tham gia ngày hội còn được tư vấn về chính sách lao động, hỗ trợ thông tin người tìm việc - việc tìm người, học nghề, tham khảo nhu cầu tuyển dụng của DN.
H.Định
Bình luận (0)