Mới đây, hơn 800 công nhân (CN) Công ty TNHH May Sun Kyoung (quận 12, TP HCM) lâm vào cảnh thất nghiệp khi doanh nghiệp (DN) giải thể vì không có đơn hàng. Cách đơn vị này không xa, Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12) đang rao tuyển khoảng 150 CN may, ủi, kiểm hàng không cần kinh nghiệm. Thế nhưng, khi kết nối nhu cầu tuyển dụng này đến các CN mất việc, không ít người đã từ chối. Đáng nói là lý do họ từ chối cơ hội việc làm không liên quan đến lương, thưởng, BHXH - vốn là vấn đề người lao động (NLĐ) quan tâm hàng đầu khi xin việc.
Ăn xổi ở thì
Lý giải nguyên nhân vì sao cung và cầu không gặp nhau, bà Nguyễn Thị Lĩnh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Wooyang Vina II, cho biết do công ty chỉ tuyển lao động chính thức, ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp sau khi hết thời gian thử việc. Tuy nhiên, số CN mất việc tại Công ty TNHH May Sun Kyoung chỉ muốn tìm việc thời vụ để không phải đóng BHXH, thu nhập vì thế sẽ cao hơn.
Người lao động tìm việc tại Ngày hội Việc làm do LĐLĐ quận 12, TP HCM tổ chức
Chị Phùng Thị Hương, CN Công ty TNHH May Sun Kyoung, là một trong những người có sự lựa chọn như vậy. Chị Hương đã làm việc tại công ty hơn 14 năm. Thời điểm mất việc, mức lương của chị hơn 8 triệu đồng/tháng. Do công việc của chồng không ổn định, con trai đầu lại đang học lớp 12 nên chị dự định sẽ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), sau đó sẽ hưởng BHXH 1 lần để có chi phí lo chuyện học hành của con sau này.
Nếu vào làm tại các DN có ký HĐLĐ và tham gia BHXH đầy đủ cho CN như Công ty TNHH Wooyang Vina II thì chị sẽ không thể hưởng các khoản trợ cấp. "Tôi biết BHXH, bảo hiểm thất nghiệp được cộng dồn thời gian tham gia giữa các nơi làm việc khi tính hưởng. Nếu tôi tìm việc làm mới, mức lương tham gia BHXH sẽ khó được như ở công ty cũ, quyền lợi vì thế cũng giảm. Do vậy, tôi chỉ muốn làm công việc thời vụ, khi nào hưởng xong các chế độ rồi tính tiếp" - chị Hương nói.
Làm việc và tham gia BHXH tại Công ty TNHH T.S (quận Bình Tân, TP HCM) được 17 năm, đến tháng 2-2021 chị Nguyễn Thị Kim Trúc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với DN. Theo thỏa thuận, công ty sẽ thực hiện đủ các thủ tục thôi việc như ban hành quyết định thôi việc, chốt sổ BHXH… nhưng thực tế chị vẫn làm việc cho đến nay. Mục đích việc chuyển từ lao động chính thức sang phi chính thức của chị Trúc là nhằm chốt thời gian đóng BHXH để hưởng BHXH 1 lần và TCTN. Đây là khoản tiền chị rất cần để trang trải chi phí sinh hoạt sau một thời gian dài thu nhập bị giảm sút do công ty không có đơn hàng.
Hiểu ra thì đã muộn
Cuối tháng 10-2022, một DN tại KCN Tân Tạo (TP HCM) đã thông báo cho chị Nguyễn Phi Yến cùng tập thể CN tạm nghỉ việc do công ty hết đơn hàng. Sau đó, công ty đã gọi một số CN trở lại làm việc nhưng không có chị. Khi thắc mắc, chị Yến được công ty trả lời là chỉ ưu tiên bố trí việc làm cho NLĐ chính thức. Mới đây, trong danh sách lao động thời vụ bị công ty cắt giảm có tên chị nhưng không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Thực tế chị Yến làm việc cho công ty từ năm 2014 đến nay nhưng không được ký HĐLĐ và tham gia BHXH. Khi mới vào làm, công ty cũng hứa hẹn sẽ ký HĐLĐ, tham gia BHXH. Sau đó, công ty không thực hiện nhưng vì thu nhập ổn định, thời gian làm việc không quá gò bó nên chị Yến không để ý. Do không phải lao động chính thức nên khi công ty cắt giảm lao động, chị Yến mất trắng quyền lợi.
Cách đây ít ngày, chị Đoàn Thị Nhẹ cũng lâm vào cảnh thất nghiệp sau tin nhắn của người quản lý nhóm "công ty cắt giảm lao động rồi, không cần đi làm nữa". Chị Nhẹ vốn là lao động thời vụ được một công ty cho thuê lao động đưa sang làm việc tại một DN may trong KCX Linh Trung I (TP Thủ Đức, TP HCM). Là lao động ngoại tỉnh, phải thuê trọ, trong khi lương CN eo hẹp nên để ổn định thu nhập, chị chọn làm việc thời vụ để không bị trừ các khoản BHXH. Nay mất việc, mất thu nhập đột ngột nhưng không được bồi thường hay hưởng TCTN, chị Nhẹ mới thấm thía sự thiệt thòi.
Ông Nguyễn Văn Thức, phụ trách nhân sự một công ty chế biến thực phẩm tại quận Tân Phú (TP HCM), cho biết trước tình hình kinh tế khó khăn, lượng đơn hàng trồi sụt khó dự báo như hiện nay, nhiều DN đã lựa chọn sử dụng lao động thời vụ vì thuận tiện. Phương án này giúp DN giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động mà không bị ràng buộc trách nhiệm (đền bù hợp đồng, trích nộp BHXH, BHYT, thưởng Tết... Tuy nhiên, NLĐ sẽ bị thiệt thòi khi không được ký HĐLĐ, dễ dàng bị sa thải, thậm chí trắng tay khi DN thực hiện cơ cấu lại lao động, nhất là như trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngăn chặn hành vi lách luật
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận do thu nhập không đủ sống nên nhiều NLĐ chọn làm thời vụ để không phải trích nộp các loại bảo hiểm và có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Sự lựa chọn này không chỉ khiến NLĐ thiệt thòi mà còn làm tăng gánh nặng an sinh cho nhà nước. Theo pháp luật hiện hành, NLĐ sau thời gian thử việc phải được ký HĐLĐ. Khi ký HĐLĐ thời hạn 1 tháng trở lên phải tham gia BHXH. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi NLĐ và ngăn chặn hành vi lách luật, mượn danh nghĩa "lao động thời vụ" để né đóng BHXH của DN, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng mức xử phạt để răn đe.
Bình luận (0)