Việc hướng dẫn thực hiện một số chính sách liên quan đến người lao động (NLĐ) cao tuổi chưa thống nhất, đồng thời tiêu chí về độ tuổi để xác định NLĐ cao tuổi không rõ ràng do chưa có văn bản hướng dẫn, gây lúng túng cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực thi pháp luật.
Doanh nghiệp bối rối
Trong buổi đối thoại với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM mới đây, bà Bùi Thị Ánh Mai, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Gunze Việt Nam (quận 7, TP HCM), đặt vấn đề: "Theo quy định của Luật BHXH, lao động nam từ đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi, có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, trong đó có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được hưởng chế độ hưu trí. Nếu NLĐ có đủ các điều kiện trên nhưng vẫn còn nguyện vọng làm việc thì DN có được quyền chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với họ hay không?
Tiêu chí xác định người lao động cao tuổi chưa rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện chính sách Ảnh: HỒNG ĐÀO
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Bảo Cường, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở LĐ-TB-XH TP, cho biết điều kiện để DN chấm dứt HĐLĐ với NLĐ theo khoản 4, điều 36 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) là NLĐ phải có đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại điều 187 BLLĐ. Tức là lao động nam phải đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi. "Như vậy, NLĐ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm hoặc tiếp tục làm việc cho đến đủ 55 hay 60 tuổi và DN không được quyền chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trong trường hợp này". Giải đáp này của đại diện Sở LĐ-TB-XH chưa làm DN thỏa mãn, bởi theo bà Mai, rõ ràng NLĐ đã đáp ứng đủ các tiêu chí về tuổi và số năm đóng BHXH để nghỉ hưu nên DN phải được quyền chấm dứt HĐLĐ.
Bên cạnh chấm dứt HĐLĐ, việc giao kết HĐLĐ với NLĐ cao tuổi thế nào cho đúng cũng khiến DN lúng túng. Bà Võ Thị Phương, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Di Đại Hưng (quận 8, TP HCM), chia sẻ từ trước đến nay công ty thực hiện giao kết HĐLĐ với NLĐ cao tuổi theo hướng dẫn của Phòng LĐ-TB-XH quận 8, TP HCM. Theo đó, DN không được ký HĐLĐ không xác định thời hạn mà chỉ được ký HĐLĐ xác định thời hạn từng năm với NLĐ và được ký HĐLĐ xác định thời hạn nhiều lần. Tuy nhiên, sau đó phía Sở LĐ-TB-XH TP phúc đáp rằng DN vẫn có thể ký HĐLĐ không xác định thời hạn với NLĐ cao tuổi và điều này khiến DN băn khoăn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Cường giải thích khi thực hiện giao kết HĐLĐ với NLĐ cao tuổi thì tùy tính chất công việc, nhu cầu giữa DN và NLĐ để xác định loại HĐLĐ giao kết (theo quy định tại điều 22 BLLĐ). Riêng trường hợp làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm thì không được ký HĐLĐ quá 5 năm.
Thiếu hướng dẫn
Ngoài những vướng mắc trên, độ tuổi và tiêu chí để xác định NLĐ cao tuổi trong các quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ cũng khiến nhiều DN gặp khó. Chẳng hạn như điều 29 Nghị định 39/2016/NĐ-CP về điều kiện mà người sử dụng lao động phải thực hiện khi sử dụng NLĐ cao tuổi để làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay quy định về rút ngắn giờ làm việc hằng ngày cho NLĐ cao tuổi tại khoản 2, điều 166 BLLĐ và khoản 10, điều 3 của Nghị định 45/2013/NĐ-CP…
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, phân tích: Điều 166 BLLĐ xác định NLĐ cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại điều 187 của bộ luật này. Điều 187 BLLĐ cũng quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ khác nhau phụ thuộc vào điều kiện làm việc. Cụ thể, trong điều kiện làm việc bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định. Như vậy, có thể hiểu NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường sau khi tuổi đủ 60 đối với nam và đủ 55 đối với nữ hay NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đủ điều kiện nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn theo quy định sẽ được coi là NLĐ cao tuổi. Nhưng đối với những NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong độ tuổi nam từ đủ 55 tuổi đến 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến 55 tuổi, nhưng không tham gia BHXH hoặc tham gia không đủ thời gian theo quy định để hưởng chế độ hưu trí thì việc xác định thời điểm họ đủ điều kiện là NLĐ cao tuổi không rõ ràng vì chưa có văn bản nào hướng dẫn.
Một vấn đề khác được bà Võ Thị Tố Tâm, đại diện Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy sản (quận Bình Tân, TP HCM), chỉ ra là BLLĐ có quy định NLĐ cao tuổi được rút ngắn thời gian làm việc nhưng lại không quy định về thời gian rút ngắn cũng như trách nhiệm trả lương của DN trong khoảng thời gian này. Do đó, xảy ra tình trạng một số DN chỉ rút ngắn thời gian chiếu lệ, 10 hay 20 phút, gây thiệt thòi cho NLĐ cao tuổi.
Sẽ nghiên cứu điều chỉnh
Trả lời kiến nghị của DN liên quan đến một số quy định đối với NLĐ cao tuổi trên hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị DN của Văn phòng Chính phủ, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH, thừa nhận hiện không có văn bản nào quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về việc xác định tuổi và tiêu chí để được coi là NLĐ cao tuổi theo quy định của BLLĐ. "Đây là một vấn đề vướng mắc của BLLĐ và sẽ được điều chỉnh phù hợp" - ông Thiện nhấn mạnh.
Bình luận (0)