Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 37 LĐLĐ các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành dưới sự chủ trì của ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Gia tăng cạnh tranh tuyển dụng
Ông Vũ Hồng Quang - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết để có cơ sở báo cáo, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện các biện pháp vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng kinh tế, ngày 2-3, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản đề nghị các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương về nắm bắt tình hình lao động. Tính đến nay, đã có 29/38 đơn vị báo cáo.
Báo cáo cho thấy sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 có khoảng 95% người lao động (NLĐ) trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số địa phương có NLĐ đi làm trở lại sau Tết đạt tỉ lệ cao như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Tây Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Long An... Một số địa phương có tỉ lệ NLĐ trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%). Tuy nhiên hiện tại, ở nhiều địa phương số công nhân (CN) đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (điều trị, cách ly do dịch Covid-19) khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 người), Bắc Giang (22.000 người)... nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, cho biết đến nay tỉ lệ NLĐ quay lại thành phố làm việc khoảng 98%. Số liệu mới nhất từ các DN trong KCN, KCX TP HCM cho thấy các DN đăng ký nhu cầu tuyển dụng cho cả năm 2022 là 51.000 lao động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết năm 2022 với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Cụ thể: Bình Dương (khoảng 90.000 lao động), Long An (khoảng 51.000), Hải Phòng (trên 50.000), Tây Ninh (khoảng 46.000), Kiên Giang (khoảng 44.000), Cà Mau (khoảng 35.000 lao động)…
Chăm lo để thu hút lao động
Để phục hồi và phát triển kinh tế và khôi phục thị trường lao động, LĐLĐ TP HCM đề nghị ngoài những chính sách đã ban hành đang được thúc đẩy triển khai thực hiện, nhà nước cần tiếp tục thực hiện các biện pháp thu hút nguồn lực tập trung bao phủ tiêm vắc-xin cho toàn dân và các giải pháp tài chính để hỗ trợ DN và NLĐ trong giai đoạn khôi phục phát triển.
Đại diện một số LĐLĐ tỉnh, thành góp ý các cơ sở đào tạo nghề cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp số lượng lớn nguồn lao động cấp tốc, kịp thời cho DN theo yêu cầu hiện nay. Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Nhiều ý kiến cho rằng ngoài xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng và khuyến khích DN tăng lương, phúc lợi, để thu hút và giữ chân NLĐ làm việc lâu dài, nhà nước cần có biện pháp kiểm soát sự tăng giá xăng dầu, gas, điện, bất động sản... để không kéo theo sự tăng giá các dịch vụ khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống CN. Tổng LĐLĐ Việt Nam cần xúc tiến kịp thời các thiết chế Công đoàn tại các KCN, như: nhà ở, nhà trẻ, các công trình sinh hoạt cộng đồng cho CN; tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên - lao động trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bình luận (0)