Pháp luật lao động nghiêm cấm người sử dụng lao động phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật đối với người lao động (NLĐ). Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn bất chấp quy định, tùy tiện phạt tiền và còn đưa cả vào quy chế của đơn vị.
Mơ hồ “bồi thường uy tín”
Trong thư khiếu nại gửi đến Báo Người Lao Động, anh Nguyễn Duy Vương, nhân viên lái xe của Công ty Linh Vũ (TP Cần Thơ), cho biết theo bản hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 6 tháng (bắt đầu từ ngày 1-1-2015), ngoài việc phải ký quỹ 5 triệu đồng (được trả góp 500.000 đồng/tháng), công ty còn quy định NLĐ đơn phương nghỉ việc vì bất cứ lý do gì cũng phải báo trước 30 ngày. Trường hợp NLĐ không thực hiện đúng thì phải bồi thường theo luật lao động, đồng thời công ty sẽ truy thu chi phí tiếp thị, quảng cáo và đào tạo 3 triệu đồng. NLĐ không được thắc mắc, khiếu nại.
“Điều kiện tuyển dụng của công ty là ngoài bằng lái xe, người ứng tuyển phải có đủ số năm kinh nghiệm theo yêu cầu. Do vậy, khi trúng tuyển, chúng tôi bắt tay vào làm việc ngay, chẳng được công ty đào tạo ngày nào. Vậy mà không hiểu sao công ty lại đặt ra quy định kỳ lạ này?” - anh Vương thắc mắc.
Đến ngày 12-4, anh Vương bất ngờ nhận được quyết định thôi việc với lý do “có hành vi chống đối người điều hành, không chấp hành lệnh điều động của người điều hành tại TP HCM”. Nội dung quyết định cũng nêu rõ anh phải “bồi thường uy tín cho công ty 1 triệu đồng”. Sau đó, dù không chứng minh được thiệt hại mà anh Vương gây ra song công ty vẫn tự ý trừ khoản tiền này vào lương của anh. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện Linh Vũ khẳng định “công ty làm đúng”.
Công ty Bảo vệ A.N (quận Tân Bình, TP HCM) cũng quy định nhân viên nào vi phạm nội quy, làm ảnh hưởng đến uy tín đơn vị sẽ bị trừ lương 2 triệu đồng. “Họ không hề nêu rõ hành vi nào bị coi là làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Vì thế, thỉnh thoảng chúng tôi lại bị trừ lương với lý do gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty mà chẳng biết mình đã làm gì! Không những vậy, khi nghỉ việc, nhân viên còn bị trừ 300.000 đồng gọi là tiền giới thiệu việc làm” - anh Nguyễn Văn Phú, nhân viên A.N, bức xúc.
Lách luật để phạt
Việc trừ lương NLĐ như một hình thức xử lý kỷ luật lao động là trái pháp luật. Điều này không phải các doanh nghiệp không biết, trái lại còn biết rất rõ. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn “lách” luật bằng cách chia nhỏ lương của NLĐ ra thành lương, phụ cấp chuyên cần, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm... để dễ bề khấu trừ.
Chị Lâm Thị Ngọc, công nhân Công ty N.P (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết tháng vừa rồi, do con nhỏ mắc bệnh đột ngột nên chị nghỉ việc 1 ngày mà không kịp xin phép. Khi đi làm lại, chị đã bổ sung đơn xin nghỉ phép nhưng đến kỳ lương vẫn bị trừ tới 600.000 đồng. “Tôi rất bức xúc và đã kiến nghị với lãnh đạo công ty nhưng được trả lời rằng mức trừ đã được xem xét chứ đúng ra, tôi có thể bị trừ nhiều hơn” - chị Ngọc ấm ức.
Bà Lê Thị Ngân, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty N.P, giải thích vì không đáp ứng đủ ngày công nên chị Ngọc bị trừ khoản thưởng chuyên cần 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra, vì là tổ trưởng, chịu trách nhiệm điều phối hàng nhưng chị lại nghỉ việc đột xuất, gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của cả tổ nên bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và bị trừ thêm khoản phụ cấp trách nhiệm 300.000 đồng/tháng.
“Chúng tôi không hề trừ lương NLĐ. Những khoản trừ đều là tiền thưởng hoặc phụ cấp mà công ty trả thêm khi NLĐ hoàn thành tốt công việc hoặc đáp ứng đúng các điều kiện mà chúng tôi đưa ra. Chị Ngọc đã vi phạm nội quy lao động thì tại sao công ty phải trả tiền thưởng cho chị ấy?” - bà Ngân lý luận.
Bình luận (0)