Sáng 14-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành.
Hơn 600.000 người ảnh hưởng việc làm
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, năm qua, những thách thức, khó khăn của hậu dịch COVID-19; những biến động nhanh, khó lường trên thế giới... đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như đời sống người lao động (NLĐ) và người dân trong nước.
Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động luôn được các cấp, ngành quan tâm Ảnh: HUỲNH NHƯ
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, sáng tạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội nước ta đã từng bước phục hồi và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm.
"Với những chính sách an sinh chưa từng có tiền lệ, 2 năm qua, nhà nước đã dành 104.000 tỉ đồng chi hỗ trợ hơn 68 triệu người dân, NLĐ và 1,4 triệu người sử dụng lao động để cả nước cùng vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bên cạnh đó, các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng. Các KCN-KCX, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Ngoài ra, năm 2022, Việt Nam đã đưa gần 143.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài - đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021.
Bộ LĐ-TB-XH nhận xét trong năm qua, thị trường lao động phục hồi tích cực, lực lượng lao động cơ bản duy trì được sự ổn định. Tuy nhiên, từ đầu quý IV/2022 đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, duy trì việc làm cho NLĐ. Nhiều DN trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... bị giảm đơn hàng, phải cắt giảm việc làm, gây ảnh hưởng tới đời sống của NLĐ.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, 528 DN đã bị giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số DN), phải cắt giảm việc làm. Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các DN là 637.491 người (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong DN).
Cần gắn kết cung - cầu lao động
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những kết quả đạt được của ngành LĐ-TB-XH trong năm qua là rất tích cực khi hoàn thành và vượt cả 6/6 chỉ tiêu được giao, trong bối cảnh cả nước còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, thị trường lao động phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tiếp tục là điểm nghẽn trong việc phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động. Để phát triển thị trường lao động bền vững, Thủ tướng yêu cầu ngành LĐ-TB-XH phải gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với DN.
Phân tích và nhận định tình hình, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành LĐ-TB-XH trong năm 2023 là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, tận tâm, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế. Ngoài việc tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần nhân ái, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, ngành cần quản lý phát triển xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Toàn ngành cần thể chế hóa, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến lĩnh vực mình; hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập" - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, DN tiếp cận tốt nhất những chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: "Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân".
Sớm hỗ trợ người lao động mất việc làm
Thủ tướng Chính phủ vừa đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí Công đoàn để hỗ trợ đoàn viên và NLĐ mất việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm; Ủy ban Quan hệ lao động khuyến nghị nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bên liên quan trong việc hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động ở các DN gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, việc làm.
Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm việc làm của NLĐ trong các DN. Trường hợp cần thiết thì đề xuất biện pháp hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. G.Nam
Bình luận (0)