“Khi vào làm việc, công ty đưa tôi văn bản đề nghị ký. Nói là hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng họ đưa tôi văn bản có tiêu đề thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nội bộ. Tôi thắc mắc thì được trả lời đây là quy định của công ty. Chưa hết, trong TƯLĐTT này ghi chi chít những điều khoản, trong đó có nhiều điều khoản vô lý như không được mang thai trong suốt thời gian làm việc tại công ty, chỉ được nghỉ phép 6 ngày/năm...”. Chị N.A.T.T cho chúng tôi xem văn bản được gọi là HĐLĐ của Công ty H.P (TP HCM) và không giấu được bức xúc.
Tùy tiện
Trong bản TƯLĐTT mà công ty đưa chị T. ký còn có những quy định như “nếu người lao động (NLĐ) vi phạm HĐLĐ xin nghỉ trước thời hạn với lý do không chính đáng, không được sự đồng ý của người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì khi nghỉ việc phải bồi thường cho NSDLĐ các khoản tiền sau: tiền đồng phục, tiền bảo hiểm NSDLĐ đã đóng, tiền lương tháng 13, một tháng lương chính thức theo mức lương hiện tại, một tháng lương mà NSDLĐ đã tạm giữ...”. Hay “khi NLĐ ký HĐLĐ 1 năm đến khi hết HĐLĐ muốn xin nghỉ phải báo trước cho NSDLĐ theo quy định là 2 tháng, đối với HĐLĐ 2 năm thì báo trước 3 tháng, hợp đồng 3 năm thì báo trước 4 tháng, hợp đồng 4 năm thì báo trước 5 tháng. Nếu không thực hiện đúng sẽ không được thanh toán các khoản như tiền giam lương, tiền thưởng HĐLĐ và các chế độ khác của công ty...”.
Không chỉ vậy, cái gọi là TƯLĐTT của công ty này còn quy định “nếu chế độ nghỉ giữa ca trong tháng là 1 ngày/tháng thì khi kết thúc 12 tháng làm việc (kết thúc HĐLĐ 1 năm) và tái ký HĐLĐ mới, nhân viên làm được hơn 18 tháng thì sẽ được 6 ngày phép HĐLĐ, hết năm thứ 2 sẽ được cộng thêm 6 ngày phép HĐLĐ...”. Nghiêm trọng hơn, TƯLĐTT còn tùy tiện đặt ra quy định trong thời gian làm việc tại công ty, lao động nữ không được mang thai, 2 người làm chung công ty không được kết hôn với nhau, người thân không được làm chung công ty... “Khi đọc văn bản công ty đưa, tôi hoa mắt vì những quy định kỳ cục. Tôi thắc mắc thì được trả lời đây là quy định của công ty. Vì cần việc làm nên tôi đã ký nhưng lo lắng. Kết quả là tôi đã mất quyền lợi khi làm việc tại công ty này” - chị T. nói.
Gài bẫy
Một doanh nghiệp (DN) có trụ sở ở Bình Dương đã buộc NLĐ viết đơn xin nghỉ việc theo mẫu công ty soạn sẵn trong đó có ghi lý do xin nghỉ việc là “bị sa thải”, sau đó buộc NLĐ phải bồi thường. Kỳ quặc hơn, đơn xin nghỉ việc vừa có tiếng nước ngoài vừa có tiếng Việt với rất nhiều nội dung như “sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục, tôi xin được lãnh lương theo quy định của công ty. Trường hợp đặc biệt có thể tìm người lãnh thay hoặc lãnh muộn trong vòng 30 ngày. Nếu sau 30 ngày, tôi chấp nhận không lãnh tiền lương nữa...”.
Ngoài ra, phần lý do trong đơn xin nghỉ việc có 2 mục là “chủ động thôi việc” và “bị động thôi việc”. Đáng nói, tại mục chủ động thôi việc ngoài lý do sức khỏe không tốt, lý do khác, bận học thêm, quan hệ với cấp trên không tốt còn có lý do “chí thú không hợp” mà không NLĐ nào hiểu nghĩa là gì!
Một số DN còn đặt ra nhiều quy định kỳ cục như NLĐ chỉ được đi vệ sinh 5 phút, phải xếp hàng, người trước đi xong mới đến người kế tiếp hoặc không nhận người đang có con nhỏ, người đang mang thai...
Ông Nguyễn Ngọc Hoài - trưởng phòng nhân sự một công ty có trụ sở ở quận 7, TP HCM - cho biết văn bản nội bộ giúp DN điều hành hoạt động tốt. Văn bản rõ ràng, đầy đủ sẽ giúp NLĐ dễ hiểu, còn DN thì thuận lợi hơn trong quá trình điều hành công việc trong công ty. “Nếu ban hành văn bản có nội dung đánh đố, gài bẫy hoặc lập lờ khiến NLĐ có thể hiểu lầm, ảnh hưởng đến quyền lợi thì chính DN đã tự làm hại mình. Không ai có thể tin vào một DN được quản lý bằng một hệ thống văn bản không rõ ràng, thiếu minh bạch, sử dụng từ ngữ tối nghĩa” - ông Hoài bày tỏ.
Phải sửa đổi hoặc hủy bỏ
Sau khi nghiên cứu các văn bản trên, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM khẳng định: Các quy định như NLĐ chỉ được nghỉ phép 6 ngày/năm, không được mang thai trong thời gian làm việc, không được trả các quyền lợi khi nghỉ việc, tự tiện quy định thời hạn báo trước khi nghỉ việc, buộc NLĐ viết đơn xin nghỉ việc vì lý do bị sa thải… là trái pháp luật. Ngoài ra, các văn bản này thể hiện bằng văn phong rối rắm, không rõ ràng sẽ dễ gây ngộ nhận cho NLĐ. Vị luật sư này đề nghị: “Nếu nơi nào có tình trạng này, trước tiên Công đoàn cơ sở phải mạnh dạn đề nghị DN sửa đổi hoặc hủy bỏ. Nếu DN không thực hiện thì NLĐ có thể khiếu nại đến cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra, xử lý”.
Bình luận (0)