Cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, việc phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất - kinh doanh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tác động tích cực đến thị trường lao động - việc làm tại Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM. Ngay sau Tết Nguyên đán, người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) cùng bắt tay ngay vào tìm việc và tuyển dụng với kỳ vọng một năm Nhâm Dần ổn định và phát triển.
Nhu cầu lớn
Các chuyên gia về lĩnh vực lao động - việc làm đánh giá năm qua với sự bùng phát của dịch Covid-19, thị trường lao động - việc làm đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng thiếu việc làm, mất việc làm, mất thu nhập, giảm thu nhập tăng đáng kể. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đã thực hiện hiệu quả mục tiêu kép - vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi kinh tế, tạo đà cho thị trường lao động tiếp tục khởi sắc trong những tháng đầu năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp làm việc xuyên Tết để kịp giao các đơn hàng đã ký
Tại TP HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP dự báo năm 2022, thị trường lao động tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng lao động khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến TP HCM cần từ 255.000 - 310.000 lao động, trong đó nhu cầu nhân lực ngay trong quý đầu năm khoảng 71.500 - 86.900 lao động. Tại Bình Dương, địa phương được xem là thủ phủ công nghiệp phía Nam, cũng có nhu cầu nhân lực rất lớn. Báo cáo mới đây của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bình Dương cho thấy dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả tại Bình Dương đã giúp NLĐ yên tâm, sẵn sàng thích nghi thực hiện các biện pháp phòng dịch trong lao động sản xuất. Cộng hưởng với tình hình hoạt động sản xuất ổn định, hàng loạt DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Chỉ trong quý I/2022, Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng khoảng 40.000 - 50.000 lao động để thực hiện các đơn hàng của DN. Trong đó, tập trung nhiều ở các ngành nghề chủ lực của tỉnh như: giày da, dệt may, điện tử, gỗ, thực phẩm, thương mại - dịch vụ…
Tại tỉnh Đồng Nai, Trung tâm DVVL tỉnh này cho biết với sự phục hồi sản xuất - kinh doanh nhanh của các DN sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động đã khởi sắc hơn, tạo việc làm cho lao động thất nghiệp và lao động mất việc làm do dịch bệnh thời gian qua. Qua khảo sát nhanh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Nai tại hơn 400 DN lớn trong tỉnh, hiện các đơn vị đang có nhu cầu tuyển khoảng 42.000 lao động.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Đồng hành với DN trong các hoạt động kết nối tuyển dụng lao động, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết đang hỗ trợ tối đa các DN tuyển dụng lao động nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, Trung tâm DVVL tỉnh cũng ký kết hợp tác ghi nhớ với các trung tâm DVVL 10 tỉnh miền Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên để hỗ trợ đưa NLĐ đến Đồng Nai làm việc sau Tết Nguyên đán 2022.
Trong khi đó, TP HCM với mục tiêu nâng chất lượng lao động đến làm việc cũng sẽ tạo điều kiện tối đa cho NLĐ nâng cao tay nghề. Mới đây, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, DN được phép cử NLĐ tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng hoàn toàn miễn phí hoặc được hỗ trợ chi phí đào tạo để nâng cao tay nghề cho NLĐ, giúp DN tăng năng suất, chất lượng lao động. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết trong năm 2022, các đơn vị trực thuộc sở sẽ đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động giữa NLĐ và DN; tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, chú trọng đào tạo nghề ở các ngành công nghiệp trọng yếu, ngành dịch vụ của thành phố và những ngành dịch chuyển tự do lao động trong khu vực ASEAN. Ngoài việc hỗ trợ kết nối cung - cầu tuyển dụng, đào tạo nghề cho DN, nhiều địa phương bắt đầu quan tâm những chiến lược dài hơi để giữ chân NLĐ. Trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch, UBND TP HCM cho rằng việc chăm lo chỗ ở cho NLĐ chưa có sự đầu tư đúng mức, vẫn còn nhiều khu nhà trọ có diện tích chật hẹp. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, việc tập trung đông dân cư dễ gây lây nhiễm chéo, tác động lớn đến đời sống tinh thần của người dân… Do đó, TP HCM sẽ phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ để hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lại đời sống cho NLĐ từ nay đến năm 2025.
Là địa phương có số lao động nhập cư tăng cao liên tục, Bình Dương đang dần hiện thực hóa giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của NLĐ. Trong kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 vừa phê duyệt, Bình Dương phấn đấu phát triển 1 triệu nhà ở cho công nhân. Nhà ở cho người thu nhập thấp này sẽ có 2 hình thức là bán và cho thuê dài hạn với mục tiêu giúp NLĐ có chỗ ở ổn định, sạch sẽ, thoáng mát và phòng chống dịch bệnh.
Bình luận (0)