Ngày 20-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập". Hội nghị được tổ chức tại trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến với 63 điểm đầu cầu trên cả nước, nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức đối với thị trường lao động trong thời gian qua.
Chỉ rõ điểm yếu
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ. Việt Nam là nước có tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp, với 26,2%; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động.
Cùng với đó, cầu lao động còn chưa hiện đại thể hiện qua các số liệu sau: Tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 50,54 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,8 triệu người, chiếm 33,24%; khu vực dịch vụ 19,8 triệu người, chiếm 39,18%.
Lao động dịch chuyển khỏi ngành nông nghiệp, đa số chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp, lắp ráp; đi lao động có hợp đồng ở ngoài nước, làm các công việc giản đơn, giá trị gia tăng thấp hay các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng thấp.
Thị trường lao động cần phát triển theo hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh Ảnh: GIANG NAM
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước. Về kỹ năng, 17% lao động Việt Nam có bằng đại học và trên đại học. Đại diện WB gợi ý cần cải thiện hệ thống lao động để số lượng lao động tốt nghiệp cao học cao hơn, đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng.
Đặc biệt là tương tác với doanh nghiệp (DN) để họ tham gia vào quá trình đào tạo nghề; tăng cường mối quan hệ liên kết với các DN trong thiết kế các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động.
Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Ingrid Christensen khuyến nghị khi sửa đổi Luật Việc làm, Việt Nam cần đưa ra được hướng dẫn đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thúc đẩy tạo việc làm. Luật Việc làm cần phải định hướng chung cho sự phát triển thị trường lao động và hoạt động thúc đẩy tạo việc làm ở Việt Nam.
Qua khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động DN có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là CN, lao động phổ thông (62%). Nhóm lao động khó tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%). "Thách thức nói trên là nút thắt của DN Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19. Việt Nam đang ở giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng"" - ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, lo ngại.
Đề xuất hàng loạt giải pháp
Tổng Giám đốc Trường Hải THACO Phạm Văn Tài đề xuất ban hành cơ chế hỗ trợ DN để có thể thu hút ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài, chuyên gia cao cấp đến làm việc, nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ và tham gia phục vụ sản xuất nhằm tăng cường khả năng hội nhập quốc tế cho nhân lực Việt Nam.
Cùng quan điểm "hướng ngoại", Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang cho biết hiện Vinfast và Vingroup đang có gần 1.000 chuyên gia đến từ gần 20 quốc gia phát triển. Nghiệp vụ của các chuyên gia không chỉ giúp DN triển khai các dự án nghiên cứu sản xuất trong mảng công nghệ, công nghiệp mà quan trọng hơn là tham gia vào quá trình đào tạo huấn luyện xây dựng đội ngũ nhân sự có chất lượng quốc tế.
"Trong vòng 3 năm tới, Vingroup đang có kế hoạch mở ra trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Khánh Hòa nhằm quy tụ những bộ óc lớn nhất thế giới với các chuyên gia đang sở hữu bằng sáng chế, các nghiên cứu chuyên sâu. Vingroup sẽ hỗ trợ họ phát triển ứng dụng để Việt Nam có một thung lũng Silicon" - ông Quang thông tin.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nêu thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm, cả nước cần đến 40.000 lao động có trình độ trong lĩnh vực này nhưng các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện chỉ đáp ứng khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn. Do đó, ông Trường mong muốn có sự hợp tác đa phương đào tạo nghề giữa nhà trường và DN. Để người lao động (NLĐ) an cư lạc nghiệp, nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho DN đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Sun Group và kiến nghị nhà nước cần đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ NLĐ tại những nơi thị trường lao động có hướng phát triển như ở các tỉnh, thành, các KCN.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực, thống nhất đầu mối quản lý đào tạo nhân lực, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng khi lao động trong nền kinh tế quá dư thừa, thiếu việc làm và tỉ lệ thất nghiệp cao có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí bất ổn xã hội, chính trị; ngược lại, nếu thiếu hụt lớn lao động, chất lượng lao động thấp... sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và có các hệ lụy khác. Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thị trường lao động thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể.
Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của ILO, các FTA thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn; Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và ngoài nước; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, DN dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...
Thủ tướng cho rằng cần nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho CN, NLĐ ở KCN và các thành phố lớn, với mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho CN, người thu nhập thấp đến năm 2030. Giải pháp căn cơ khác là đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng.
Bình luận (0)