Ban soạn thảo cho rằng việc tăng số giờ làm thêm trong một năm để bảo đảm sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng thời giờ làm thêm là nhu cầu của NLĐ để tăng thu nhập, với doanh nghiệp (DN) đây là điều kiện để bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Theo khảo sát mới đây về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của NLĐ năm 2018 do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thực hiện, có 44% NLĐ cho biết có làm thêm giờ, số giờ làm thêm trung bình là 28,5 giờ (cao nhất là 50 giờ) với số tiền nhận trung bình là 832.000 đồng/tháng.
Ảnh minh họa
Vẫn biết làm thêm giờ được xem là giải pháp để NLĐ tăng thu nhập, song các chuyên gia lao động cho rằng đây chỉ nên là ngoại lệ và chỉ áp dụng đối với những trường hợp yêu cầu đột xuất, bất khả kháng. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, từng bày tỏ: "Làm thêm giờ là nguyện vọng chính đáng của NLĐ trong bối cảnh mức thu nhập chưa bảo đảm đủ sống, tuy nhiên làm thêm ở mức bao nhiêu thì còn tùy vào từng ngành nghề, loại hình DN và số việc làm DN đó tạo ra. Điều quan trọng là phải tính toán kỹ đến yếu tố sức khỏe và khả năng chịu đựng của NLĐ". Thực tế, vì thu nhập quá bấp bênh nên phần lớn NLĐ phải chấp nhận làm thêm giờ để tăng thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt. Thế nhưng, họ đã phải đánh đổi nhiều thứ và đối diện với tương lai mờ mịt. Ốm đau, bệnh nghề nghiệp và không có thời gian để thư giãn, chăm sóc con cái đến nơi đến chốn... là hệ lụy trước mắt.
Bình luận (0)