Công nghệ thông tin (IT) là một trong số ít ngành vẫn có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên trong năm nay. Khảo sát trên thị trường cho thấy cơ hội việc làm IT rộng mở, nhiều ứng viên tìm cách chuyển hướng. Tuy nhiên, để bước chân vào IT, đòi hỏi nhiều yếu tố và sự bền bỉ, nhất là giữa thời điểm doanh nghiệp (DN) thắt chặt tiêu chí chọn người.
Đổi nghề
Anh Trần Thành An (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) vừa tốt nghiệp Khoa Cơ khí Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM. Ra trường, anh An không theo nghề mà dự định chuyển ra TP Hà Nội tham gia khóa đào tạo 6 tháng về lập trình. Bởi tại Hà Nội có người quen, có thể giúp anh bổ trợ thêm kiến thức khác. "Tôi đam mê công nghệ nên muốn đổi hướng, bắt đầu một hành trình mới" - anh An cho hay.
Cùng ý định như anh An là chị Phan Thị Thi (25 tuổi, quê Thanh Hóa). Chị Thi là chuyên viên marketing (tiếp thị) tại một công ty xuất nhập khẩu ở TP Thủ Đức, TP HCM, trước khi bị cắt giảm lao động đầu năm 2023. Trong lúc loay hoay tìm việc mới, nhận thấy ngành IT nhiều cơ hội, chị Thi ấp ủ kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp. Để bắt đầu, chị lên các trang chuyên ngành IT tham khảo ý kiến và học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, chị Thi cũng thường xuyên theo dõi các báo cáo về ngành để cập nhật thông tin thị trường. Hiện chị Thi vừa đăng ký khóa học trực tuyến về IT, với học phí 5 triệu đồng.
Theo bà Hồ Thị Kim Chi, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Mesoneer (quận 3, TP HCM), sự chuyển dịch này là vì ngoài thu nhập và phúc lợi cao, ngành IT còn có nhiều vị trí mới phổ biến hơn so với trước đây như business analyst (chuyên viên phân tích nghiệp vụ), product owner (người chịu trách nhiệm sản phẩm), tester (nhân viên kiểm thử), designer (thiết kế phần mềm).
Giai đoạn này những năm trước, ứng viên IT khá khan hiếm do người lao động có tâm lý ở lại lĩnh thưởng cuối năm. Nhưng hiện tỉ lệ ứng viên chủ động tìm việc tăng cao, nhờ đó thời gian tuyển dụng được rút ngắn. Trước đây, để tuyển được một nhân sự có 4-5 năm kinh nghiệm phải mất 4 tháng, nay chỉ 1 tháng là được đáp ứng.
Do đó, khả năng cạnh tranh của những ứng viên "tay ngang", mới bắt đầu dấn thân vào nghề có thể gặp không ít khó khăn. "Nhân sự được đào tạo chính quy, có nền tảng tốt sẽ có lộ trình phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, họ cũng có kiến thức tổng quát về hệ thống, am hiểu về chuyên môn" - bà Chi nhận xét.
Phù hợp với văn hóa công ty là một trong những tiêu chí quan trọng được nhiều doanh nghiệp IT ưu tiên tuyển dụng
Cần thích ứng, kiên trì
Ông Kiều Thanh Phong, chuyên viên tuyển dụng chuyên trách khối IT của FPT Telecom, cho biết số lượng hồ sơ trái ngành tăng so với năm trước. Dù đang ưu tiên nhân sự nhiều năm kinh nghiệm nhưng ứng viên "tay ngang" nếu vượt qua bài kiểm tra trình độ và kỹ năng vẫn được tạo điều kiện.
Theo ông Phong, nếu chỉ sau một khóa học ngắn hạn mà ôm mộng lương cao là điều không thực tế. "Thông thường, tại FPT Telecom, để đạt mức lương 20 triệu đồng/tháng, ứng viên cần 2 năm kinh nghiệm trở lên. Hơn nữa, trong quá trình làm việc, bản thân họ phải rất cố gắng và nỗ lực" - ông Phong nói.
Còn bà Đoàn Thanh Thủy Tiên, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP Công nghệ Inapps (quận 10, TP HCM), đánh giá lập trình viên tại Việt Nam khá đông đảo, song để tìm được ứng viên có khả năng tiếng Anh lưu loát là điều rất khó. Là công ty cung cấp dịch vụ thuê ngoài IT, thường xuyên làm việc với khách hàng nước ngoài, do đó ngoại ngữ là kỹ năng bắt buộc. Ngay cả những vị trí thực tập sinh, Inapps cũng tuyển nhiều nhân sự nước ngoài để đáp ứng công việc. Với người Việt Nam, nếu giao tiếp tốt và có 3 năm kinh nghiệm trở lên sẽ được trả 25 triệu đồng/tháng, chưa tính phụ cấp.
Bên cạnh cải thiện ngoại ngữ, bà Tiên nhấn mạnh với ứng viên chuyển sang IT, nên đánh giá, xem xét khả năng thích ứng ngành mới một cách cẩn trọng. Đừng bị đánh lừa bởi những "tô vẽ" về ngành, cần có góc nhìn thực tế. Hạn chế trường hợp học một thời gian ngắn bỏ dở giữa chừng, lại loay hoay tìm hướng đi mới.
Bà Trịnh Hương Giang, Trưởng Nhóm Tuyển dụng Công ty TNHH Cốc Cốc (chi nhánh quận 1, TP HCM), khuyên ứng viên muốn dấn thân vào ngành IT nên bắt đầu bằng công việc thực tập sinh. Tại Cốc Cốc, tùy thuộc vào vị trí, thực tập sinh có thể nhận được mức lương 5 triệu đồng/tháng (nhân viên kiểm thử) hoặc 8-10 triệu đồng/tháng (lập trình viên). Song, DN sẽ xét duyệt gắt gao và cân nhắc kỹ càng hơn. Đặc biệt, với trình độ chuyên môn, phù hợp với văn hóa công ty, khả năng thích ứng, tính kiên trì, bền bỉ được nhà tuyển dụng ưu tiên.
Năm 2023, lương IT tăng ít
Theo khảo sát từ hơn 1.200 nhân sự IT của ITviec, người lao động kỳ vọng mức tăng lương tối thiểu cho một lần nhảy việc trung bình 20%, bên cạnh các tiêu chí khác. Cũng theo một báo cáo khác của ITviec, chỉ có 2,6% DN IT cho biết có kế hoạch tăng lương hơn 20% trong năm 2023. Đa phần nhà tuyển dụng lựa chọn không thay đổi/giảm hoặc tăng nhẹ dưới 10%.
Bình luận (0)