Song, khi xảy ra tranh chấp, không ít DN lại quay lưng với NLĐ. Đối xử với NLĐ theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, thử hỏi sao DN không bị tẩy chay? Đó là cảm nhận chung của đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ) chuyên trách TP HCM khi tham gia giải quyết các vụ ngừng việc tập thể thời gian qua.
Không khó nhận diện hành vi “vắt chanh bỏ vỏ” ấy khi ở rất nhiều vụ ngừng việc liên quan đến lợi ích, nhiều chủ DN đã không quan tâm giải quyết các kiến nghị chính đáng, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của NLĐ. Từ chuyện nhỏ nhặt như định mức sản phẩm, chất lượng bữa ăn giữa ca đến chế độ phúc lợi, đãi ngộ, thay vì ngồi lại với CĐ bàn bạc để đưa ra hướng giải quyết hợp lý, hợp tình thì nhiều chủ DN lại tỏ thái độ cù nhầy, cù cưa hoặc mặc cả với NLĐ.
Quan sát thái độ ấy của chủ DN, số đông công nhân (CN) vỡ mộng bởi thực tế chính sách chăm lo lâu nay ở DN không bền vững, khó lòng động viên họ gắn bó lâu dài. Đơn cử chuyện xảy ra tại một DN nước ngoài đóng ở KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) mới đây. Khi điều chỉnh lương tối thiểu, DN cũng đồng thời cắt luôn các khoản phụ cấp lâu nay CN được hưởng và chính điều này đã gây bất bình cho tập thể NLĐ. Nên nhớ, chính sách chăm lo tại DN không phải tự nhiên mà có; trái lại, nó được hình thành nhờ quá trình thương lượng giữa người sử dụng lao động và tổ chức CĐ (đại diện tập thể NLĐ). Không thực hiện đúng các thỏa thuận cam kết đồng nghĩa với việc DN nuốt lời với NLĐ. “Chính sách chăm lo, đãi ngộ có được đều thông qua thỏa thuận chứ không ai ép buộc DN. Tìm đủ cách để từ chối thực hiện thỏa thuận, chẳng khác gì DN tước đoạt quyền lợi hợp pháp của NLĐ” - nhiều CN ở DN nêu trên bức xúc.
Ông Đinh Cao Nghĩa, Giám đốc Công ty Đình Nghĩa (quận Bình Tân, TP HCM), nhìn nhận: “Trong mọi hoàn cảnh, việc tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận với NLĐ là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Vin đủ lý do để làm trái cam kết hoặc cố tình o ép NLĐ đồng nghĩa DN tự hạ thấp uy tín. NLĐ giờ tinh ý lắm, chỉ cần để ý thái độ của ông chủ là họ hiểu và cảm nhận hết DN có thực lòng chăm lo cho họ hay không”.
Theo ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, quan hệ lao động không chỉ được điều chỉnh bởi các chế định của luật pháp mà còn ở hành vi của các chủ thể liên quan. “Chính sách chăm lo cho NLĐ được hình thành bởi quá trình thương lượng phải được DN thực hiện đầy đủ và có tránh nhiệm. Né tránh, tước đoạt một phần hoặc từng phần, suy nghĩ và hành động ấy của DN sẽ khiến NLĐ dễ bị tổn thương, quan hệ lao động rất khó hàn gắn” - ông Nam bày tỏ.
Bình luận (0)