Phóng viên: Thưa ông, đâu là những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực lao động việc làm giai đoạn từ năm 2012 đến nay?
- Ông Gyorgy Sziraczki: Ba năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điển hình là khung pháp lý được cải thiện, giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và trong giai đoạn khởi đầu của một quốc gia thu nhập trung bình. Những văn bản pháp luật quan trọng như Bộ Luật Lao động 2012, Luật Việc làm, Luật BHXH (sửa đổi), Luật Giáo dục nghề nghiệp và gần đây nhất là Luật An toàn Vệ sinh lao động... đã được Quốc hội thông qua. Kể từ năm 2012, Việt Nam cũng đã phê chuẩn 3 công ước quốc tế về lao động, gồm: Công ước về chính sách việc làm (Công ước 122), Công ước Lao động hàng hải (MLC 2006) và Công ước về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động 2006 (Công ước 187). Điều này cho thấy Việt Nam dần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Vậy đâu là những yếu tố quan trọng nhất dẫn tới những thành quả đó?
- Cam kết của Chính phủ đóng vai trò chủ đạo. Nếu không có sự lãnh đạo quyết liệt từ Chính phủ, Việt Nam đã không thể đạt được những tiến bộ trong công cuộc cải tổ thị trường lao động, chính sách việc làm nhờ vào những cuộc thảo luận và hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. Sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và người lao động trong nền kinh tế chính thức đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi để hướng tới một nền kinh tế với khả năng cạnh tranh lớn hơn và một xã hội công bằng hơn. Trong bối cảnh này, chính sự đáp ứng về mặt chính trị đối với những đòi hỏi đó đã đưa đến những thành quả quan trọng của đất nước. Ngoài ra, tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy Việt Nam thực hiện những cải tổ cần thiết.
Tương lai gần, đâu là thách thức đối với Việt Nam trong công cuộc tạo việc làm bền vững cho người dân, thưa ông?
- Mặc dù đã đạt được những thành tựu ấn tượng, Việt Nam vẫn cần giải quyết một số thách thức lớn. Đó là sự thiếu đồng bộ chính sách, phát triển thị trường lao động với các chính sách kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, năng lực thực thi hiệu quả luật pháp và các quy định về lao động của các cơ quan Chính phủ chưa cao (sự bất đồng về xây dựng điều 60 Luật BHXH là một ví dụ - PV). Pháp luật chỉ là một phần của câu chuyện về việc làm tốt hơn. Thực thi và tuân thủ pháp luật như thế nào mới là chìa khóa giải quyết vấn đề. Một thách thức khác là phần lớn lao động Việt Nam vẫn thuộc bộ phận phi chính thức, khó khăn về việc làm và thu nhập bấp bênh. Đây sẽ tiếp tục là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong những năm tới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một bộ phận lớn trong số các doanh nghiệp Việt Nam, cần được tăng cường để có khả năng hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như tiến trình hội nhập thị trường toàn cầu.
Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Tiến trình hội nhập và thực hiện các cam kết đặt ra những vấn đề lớn nào?
- Sẽ có nhiều vấn đề lớn đặt ra khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và với tư cách là một thành viên của Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật và quy định về lao động, đồng thời phê chuẩn các công ước quan trọng của ILO, bao gồm cả Công ước về Tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức (Công ước 87) và Công ước về Thương lượng tập thể (Công ước 98). Việc tuân thủ pháp luật cũng sẽ cần phải được đẩy mạnh để bảo đảm pháp luật và quy định được thực thi trong cuộc sống.
Ông Gyorgy Sziraczki cho rằng đầu tư vào giáo dục và đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ là nhân tố quan trọng trong tiến trình hội nhập, tham gia Cộng đồng ASEAN.
Bình luận (0)