Nhằm chuẩn bị nguồn lực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm mới 2025, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu công tác tuyển dụng từ sớm. Tuy nhiên, lượng người ứng tuyển rất hạn chế, khiến không ít DN lo lắng.
Cung không đủ cầu
Công ty CP May Phương Đông (quận Gò Vấp, TP HCM) đang rao tuyển 250 công nhân (CN) may và lao động phổ thông. Ngoài thu nhập 9 - 12 triệu đồng/tháng, bảo đảm các chế độ bảo hiểm, phúc lợi, người lao động (NLĐ) còn được thưởng vào các dịp lễ, Tết, lương tháng 13 (2 tháng lương bình quân). Bên cạnh đó, công ty sẵn sàng dạy nghề miễn phí và có hỗ trợ lương cho NLĐ trong thời gian học nghề (từ 4,5 triệu đồng/tháng trở lên). Nhưng tại cổng bảo vệ (nơi nhận hồ sơ) vắng bóng người đến tìm việc.
Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), cũng rơi vào tình thế tương tự. Từ đầu năm 2024, đơn hàng của công ty đã khởi sắc trở lại, cần thêm nhiều lao động để mở rộng các chuyền sản xuất.
Theo đó, cùng với mức thu nhập hấp dẫn (khoảng 11,5 triệu đồng/tháng), công ty còn đề ra nhiều chính sách để thu hút CN như: thưởng cho người giới thiệu (1,2 - 1,6 triệu đồng/CN giới thiệu được); CN mới tự ứng cử được thưởng 600.000 - 800.000 đồng/người; CN cũ quay lại làm việc sẽ được giữ nguyên mức lương và thâm niên trước đó. Ngoài ra, công ty cũng tuyển CN chưa có kinh nghiệm và đào tạo nghề miễn phí.
"Vậy mà, so với cuối năm 2023, hiện số lao động tăng thêm tại công ty chỉ khoảng 300 người, đủ bổ sung cho các chuyền sản xuất có sẵn, không thể mở rộng. Thiếu lao động chính là rào cản khiến DN khó bứt phá trong sản xuất - kinh doanh năm qua" - một cán bộ nhân sự Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam nhấn mạnh.
Sau 1 năm rao tuyển lao động không hạn chế số lượng, nay số lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) chỉ tăng thêm khoảng 2.000 người so với đầu năm 2024. Lý giải nguyên nhân khó tuyển lao động, một cán bộ nhân sự của công ty cho biết sau dịch COVID-19, nhiều NLĐ đã chọn về quê sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp địa phương. Thêm vào đó, theo xu thế phát triển công nghệ, NLĐ có thể tự tạo việc làm, thu nhập; chuyển sang làm các công việc tự do hoặc chọn đi xuất khẩu lao động để kiếm thu nhập cao hơn.
Ảnh hưởng đến năng suất
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2024 các DN thuộc tập đoàn đủ đơn hàng, nhất là 6 tháng cuối năm, nhưng lại thiếu lao động. "Công tác tuyển dụng lao động của DN rất khó khăn, nhiều nơi số lao động tuyển được không đủ bù đắp số nghỉ việc trước đó. Đặc biệt, sự thiếu hụt lao động có tay nghề dẫn đến biến động về năng suất của các DN" - ông Hiếu cho hay.
Năm 2025, cùng với tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm, thị trường mới, tạo những giá trị riêng ngoài sản xuất hàng dệt may thông thường, để bảo vệ sự phát triển bền vững, ông Hiếu cho rằng DN cần tăng cường các chính sách đãi ngộ để thu hút NLĐ. Bên cạnh đó, trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường lao động rất cao, nhân lực giỏi khan hiếm, các DN phải có sự liên kết nhằm sử dụng chung một cách hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo lực kéo tất cả DN cùng tiến bộ, không chờ đợi việc phát triển nguồn nhân lực ở từng DN.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) nhận định các yếu tố khiến DN khó tuyển dụng thời gian qua là thiếu hụt lao động có chuyên ngành đào tạo phù hợp; NLĐ thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, thiếu tác phong công nghiệp, hạn chế trong năng lực thực hành. Đặc biệt, các yếu tố như tiền lương, thưởng, phúc lợi… DN đưa ra còn thấp, chưa hấp dẫn NLĐ.
Để vượt qua những thách thức này, DN cần xây dựng quy trình tuyển dụng hiệu quả, tận dụng nhiều kênh tuyển dụng, ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa các hoạt động liên quan. Đồng thời, phải có chính sách lương, thưởng rõ ràng; thúc đẩy công tác đào tạo, đào tạo tại chỗ, hợp tác đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn của NLĐ, bám sát yêu cầu công việc. Từ đó, nâng chất lượng, năng suất lao động trong DN.
"Ngoài ra, DN cũng cần tạo môi trường làm việc tích cực và quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của NLĐ để họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, an tâm gắn bó lâu dài" - ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Falmi, nói.
Cách làm đáng lưu tâm
Bà Hoàng Dung, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH May Oasis (huyện Củ Chi), cho hay thời gian qua, DN gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động nên không thể mở rộng quy mô sản xuất như dự kiến. Hiện DN đang tiếp tục tìm các giải pháp để thu hút CN mới và giữ chân CN cũ.
Từ đầu năm 2024, ngoài nỗ lực tìm kiếm nguồn đơn hàng nhằm ổn định việc làm, cải thiện thu nhập, phúc lợi cho NLĐ, công ty đã xây dựng quỹ hưu trí để khuyến khích NLĐ gắn bó lâu dài. NLĐ làm việc đủ 1 năm sẽ được công ty đóng vào quỹ 6 triệu đồng/người; làm việc từ 10 năm trở lên và đủ điều kiện nghỉ hưu sẽ được hưởng khoản trợ cấp này.
Bình luận (0)