Song, vẫn còn tình trạng mất cân đối giữa cung - cầu lao động trong khu vực công nghiệp - dịch vụ khi người tốt nghiệp ở nhóm ngành công nghiệp cao hơn nhu cầu tuyển dụng.
Nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực bảo đảm nhu cầu của DN trong các lĩnh vực trọng tâm của thành phố, sở đã chủ động tìm hiểu, đàm phán với các đối tác nước ngoài có mô hình hay, chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến. Kết quả, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của thành phố đã phối hợp với Trường ĐH Đại Diệp (Đài Loan - Trung Quốc) và một số trường cao đẳng tại bang Tây Úc (Úc) đào tạo nhân lực lĩnh vực công nghệ bán dẫn, logistics, xây dựng.
Ngoài ra, sở còn tiếp nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ Tập đoàn Avestos (Đức) ở 20/22 ngành nghề (cơ khí, chế biến - bảo quản thủy sản; công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, công nghệ ô tô, điện công nghiệp; kỹ thuật xây dựng…).
Bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-CN TP HCM (Hepza), cho biết trong tổng số 252.131 lao động đang làm việc tại 17 KCX, KCN, có 90.011 người làm việc trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu; 86.229 người làm việc ở các ngành nghề truyền thống (dệt may, da giày). Số lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 87%, có chứng chỉ nghề 6.681 người (2,65%), trung cấp và cao đẳng 16.011 người (6,35%), đại học và trên đại học 32.752 người (13%). Theo bà Thư, trong tổng số lao động đã qua đào tạo có 163.885 người (65%) do DN tự đào tạo.
Theo đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), hiện thành phố tập trung phát triển nhân lực cho các ngành công nghiệp trọng điểm và dịch vụ chủ yếu, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn cao.
Bên cạnh đó, dù có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và DN, nhưng chương trình đào tạo vẫn chưa theo sát nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, dẫn đến việc người mới ra trường thường thiếu kinh nghiệm thực tế, cần thời gian dài để thích nghi với công việc.
Báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020 - 2025 của HĐND thành phố cho thấy lao động được đào tạo nghề tăng từng năm. Nhưng kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng về chất lượng, trình độ. Thực tế tại một số DN, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận không cao; lao động một số ngành kỹ thuật cao chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, HĐND thành phố cho rằng UBND thành phố cần hoàn thiện công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN và quan tâm công tác kiểm định chất lượng GDNN trên địa bàn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tại các cơ sở đào tạo; đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở GDNN nước ngoài có uy tín trong việc tiếp nhận, chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập.
Ngoài nghiên cứu, các cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích DN đầu tư hoặc phối hợp các cơ sở GDNN đào tạo NLĐ, thành phố cần thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Đồng thời, nâng cao ý thức NLĐ về tác phong, thái độ, kỹ năng lao động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng công việc; tích cực tham gia đào tạo và tự đào tạo lại để thích ứng với thị trường lao động trong tình hình mới.
Bình luận (0)