icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Để công nhân ổn định cuộc sống

Bài và ảnh: THANH NGA

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh trong ngành dệt may cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - Công đoàn - nhãn hàng

Gần 10 năm làm công nhân (CN) may tại một công ty may mặc tại phường Dĩ An, TP HCM, song sau khi mất việc, chị Trần Thị Thu Hương (44 tuổi) vẫn đang chật vật với nỗi lo cơm áo vì khó tìm việc làm mới.

Đối mặt với nhiều áp lực

Chị Hương cho biết hơn 2 năm trước do công ty chuyển đổi mặt hàng may gia công và thu hẹp sản xuất, nhiều CN lớn tuổi, năng suất thấp hoặc không phải thợ may lành nghề bị đào thải, trong đó có chị. Khi ấy, công ty chi trả đầy đủ các chế độ nên chị Hương chấp nhận. Song khó khăn từ đây cũng bủa vây gia đình chị.

Để công nhân ổn định cuộc sống- Ảnh 1.

Để bảo đảm việc làm cho người lao động ngành dệt may, cần có chính sách hỗ trợ nhà nước, sự đồng hành của Công đoàn, doanh nghiệp

Chị nói: "Tôi xin việc nhiều nơi nhưng không nơi nào nhận do tuổi tác. Mặt khác nhiều DN chỉ nhận CN may, trong khi trước đây chỉ là thợ phụ tại khâu ủi, tay nghề may yếu nên không thể thích nghi". Sau cùng, chị nhận sửa quần áo đơn giản tại phòng trọ (ở phường Bình Lợi Trung) để có đồng ra đồng vô, phụ chồng nuôi các con ăn học.

Nhiều CN trong ngành dệt may có cùng hoàn cảnh sau khi bị đào thải do công ty thu hẹp sản suất, thay đổi công nghệ hoặc tự động hóa, nhất là lao động nữ lớn tuổi.

Theo khảo sát của Công đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó có đến 70% là nữ, gần 85% là lao động có trình độ phổ thông, tập trung ở các khu vực nông thôn. Nhưng ngành này đang đối mặt với nhiều áp lực khi buộc phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, hướng đến sản xuất bền vững, giảm phát thải và thân thiện với môi trường.

Quá trình này đặt ra rất nhiều yêu cầu với DN. Bởi nhãn hàng đòi hỏi khắt khe năng lực đáp ứng của các DN về quy mô, trang thiết bị, điều kiện làm việc, tay nghề CN, các tiêu chuẩn lao động... Trong khi đó, trách nhiệm của nhãn hàng không tương xứng với các yêu cầu đặt ra cho các DN. Điều này gây mất cân bằng quyền lợi của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng.

Mặt khác, Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhìn nhận từ thực tế, quá trình chuyển đổi cũng đòi hỏi kỹ năng thích ứng của người lao động (NLĐ) nhưng công tác đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho họ chưa đồng bộ, thiếu cơ chế hỗ trợ toàn diện từ phía Nhà nước và các bên liên quan. Điều này dẫn đến những lao động có tay nghề, kỹ năng thấp đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Từ đó, DN gặp khó khăn trong bảo đảm hài hòa giữa phát triển bền vững và giữ ổn định lực lượng lao động.

Cần sự đồng hành

Theo nhiều chuyên gia, cán bộ Công đoàn, để thực sự đạt mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát triển bền vững không gây thiệt hại cho NLĐ và cộng đồng, cần khung chính sách cụ thể và sự đồng hành tích cực của Công đoàn cùng các bên liên quan.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết hoạt động Công đoàn cần được mở rộng theo hướng chủ động tham gia vào các hoạt động hỗ trợ NLĐ thích ứng với quá trình chuyển đổi như nâng cao nhận thức, năng lực tiếp cận thông tin; tham gia xây dựng chính sách, cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi cho NLĐ, giám sát thực hiện chuyển đổi công bằng. Ngoài ra, Công đoàn phải tham gia cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ...

Đây là những yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững, nhất là tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng, năng lực thích ứng cho NLĐ. "Trong 5 năm qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức 127 lớp đào tạo cho 5.397 NLĐ. Các Công đoàn cơ sở cũng chủ động phối hợp DN trong đào tạo NLĐ, đem lại cơ hội học tập cho 300.000 người, góp phần giúp họ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của vị trí việc làm trong quá trình chuyển đổi" - bà Tâm cho hay.

Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách quốc gia về chuyển đổi công bằng cho ngành dệt may, thiết lập các gói hỗ trợ tài chính, thuế, tín dụng ưu đãi cho DN đầu tư vào công nghệ xanh, đào tạo lại lao động, chuyển đổi dây chuyền sản xuất; hỗ trợ chuyển nghề, bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt, đào tạo nghề cho nhóm lao động bị ảnh hưởng...

Đại diện Ban Nghiệp vụ LĐLĐ TP HCM cho rằng hầu hết DN dệt may trong nước đều làm gia công hoặc sản xuất theo mẫu của các nhãn hàng. Vì vậy, LĐLĐ thành phố đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể liên kết với các Công đoàn ngành dệt may khu vực, châu Âu và thế giới để tác động đến các nhãn hàng quốc tế về mức thu nhập bảo đảm mức sống, tăng lương cho CN.

Ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho rằng không thể giao hết trách nhiệm cho DN, địa phương phải chủ động tăng cường chuyển dịch, đào tạo NLĐ sang ngành nghề khác có giá trị cao hơn để họ có cuộc sống tốt hơn. 

Hỗ trợ lao động lớn tuổi

Luật Việc làm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó, điểm mới đáng chú ý là lần đầu tiên luật đề cập chính sách riêng cho NLĐ cao tuổi. Cụ thể, NLĐ lớn tuổi sẽ được hỗ trợ theo 3 hướng gồm tiếp cận vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc hiện có; tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng nếu muốn tiếp tục làm việc; được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận tay nghề, tạo thuận lợi trong quá trình xin việc hoặc chuyển nghề.

Đặc biệt, luật cũng đặt ra định hướng dài hạn, đó là Nhà nước sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo lại hoặc chuyển đổi nghề cho người cao tuổi, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo