Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, một ngân hàng tại TP HCM đã thực hiện cắt giảm khoảng 350 nhân viên. Quyết định của ngân hàng này đã gây "sốc" cho người lao động (NLĐ) vì thời gian thực hiện quá nhanh. Từ khi biết tin đến khi họ chính thức nghỉ việc chỉ trong vòng vài ba ngày. Hơn nữa, theo báo cáo tài chính, ngân hàng đang ăn nên làm ra.
Quyết định gây "sốc"
Một số nhân viên cho hay đêm trước ngày trở lại làm việc sau Tết (ngày 2-2, tức mùng 5 Tết), ngân hàng đã ban hành quyết định điều chuyển số nhân viên trên về Trung tâm quản lý nguồn nhân lực chờ phân công công việc.
Đến ngày 6-2, NLĐ được mời họp và nhận thông tin về việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với lý do nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Trường hợp NLĐ đồng ý nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp mất việc làm (1 tháng lương cho mỗi năm làm việc trước năm 2009; sau năm 2009 nhận 2 tháng lương); được hỗ trợ phúc lợi 4 tháng lương, trợ cấp thất nghiệp.
Đối với NLĐ không đồng ý chấm dứt HĐLĐ thì chờ văn bản thực hiện cho nghỉ việc theo pháp luật lao động và không được nhận khoản hỗ trợ. Kèm theo đó, NLĐ đồng ý nghỉ việc sẽ phải điền và ký phiếu đề xuất nguyện vọng chấm dứt HĐLĐ do ngân hàng phát ra.
Nội dung của phiếu đề xuất là NLĐ cam kết: hoàn tất bàn giao; hoàn trả phương tiện, công cụ làm việc được cấp; bảo mật vô thời hạn thông tin có được trong thời gian làm việc tại ngân hàng; không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp nào liên quan đến việc chấm dứt HĐLĐ sau khi đã nhận các khoản hỗ trợ. Sau khi ký phiếu đề xuất, NLĐ sẽ nhận quyết định nghỉ việc luôn.
Đa số đối tượng lọt vào diện cắt giảm là NLĐ chưa có bằng ĐH hoặc có bằng ĐH nhưng không đúng chuyên ngành, độ tuổi không đáp ứng yêu cầu... Nhiều năm trước, tôn chỉ tuyển dụng của ngân hàng là bằng ĐH không phải là tấm vé cuối cùng nên đã thu hút nhiều người có trình độ trung cấp, CĐ vào làm việc.
Nay sau nhiều năm cống hiến, nghiệp vụ vững vàng, họ lại bị loại bỏ bởi lý do bằng cấp không đáp ứng, khiến NLĐ bất ngờ. "Nhiều người đã "sốc" và bật khóc khi nhận thông tin nghỉ việc bởi không được báo trước 30-45 ngày theo quy định nên không có sự chuẩn bị về tâm lý. Bên cạnh đó, dù không muốn nhưng NLĐ buộc phải chọn phương án chấm dứt HĐLĐ.
Bởi nếu không đồng ý có thể ngân hàng sẽ áp dụng nhiều hình thức khác để cho thôi việc một cách hợp lệ và NLĐ sẽ mất các khoản hỗ trợ. Chúng tôi cũng không dám làm to chuyện bởi vì đặc thù ngành nghề, dù thắng hay thua NLĐ cũng gặp khó khăn khi tìm việc làm tại các ngân hàng khác" - một nhân viên chia sẻ.
![Giảm lao động phải thấu tình, đạt lý- Ảnh 1. Giảm lao động phải thấu tình, đạt lý- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/14/chotcd15-2-2025-17395398275952017708081.jpg)
Người lao động tham gia tư vấn pháp luật tại Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM
Để không bị kiện cáo
Theo các chuyên gia lao động, cắt giảm nhân sự để bảo đảm hiệu quả hoạt động là một thực tế phổ biến trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Quy trình, thủ tục cắt giảm rõ ràng, đúng quy định pháp luật sẽ giúp DN tránh những hậu quả pháp lý không đáng có trong trường hợp có tranh chấp lao động xảy ra. Đây là điều đã được minh chứng qua vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH T.N (tỉnh Đắk Lắk).
Trước đó, vào tháng 3-2024, công ty đã ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông N.C.T, tài xế, với lý do "đã chuyển nhượng tài sản". Cho rằng lý do này không phù hợp và không đúng quy định pháp luật vì thực tế DN vẫn tuyển dụng lao động, nên ông T. khởi kiện ra tòa yêu cầu công ty hủy quyết định và nhận ông làm việc trở lại.
Đại diện công ty cho hay do tình hình tài chính gặp khó khăn nên cuối năm 2023 công ty đã thanh lý 2 ô tô không cần dùng. Sau khi thanh lý xe, dư tài xế nên công ty đề xuất chuyển ông T. sang làm bảo vệ, đồng thời yêu cầu ông trình bày nguyện vọng công việc của mình. Tuy nhiên, ông T. không phản hồi.
Đầu tháng 1-2024, giám đốc công ty đã làm việc với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và thống nhất sẽ thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với ông T. Sau khi làm việc với ông T. để thương lượng chấm dứt HĐLĐ, ngày 24-1-2024, công ty đã gửi thông báo chấm dứt HĐLĐ cho ông T. nhưng ông không nhận. Cùng với đó, công ty đã gửi công văn thông báo cho UBND và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk về việc chấm dứt HĐLĐ đối với ông T.
Đến ngày 11-3-2024, công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ theo khoản 11 điều 34 Bộ Luật Lao động 2019 (người sử dụng lao động cho NLĐ thôi việc theo quy định tại điều 43 Bộ Luật Lao động do chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của DN) và đã chi trả trợ cấp mất việc làm cho ông T.
"Từ đó đến nay, chúng tôi không nhận được ý kiến gì từ ông T. Hơn nữa, công ty đã thực hiện đúng các bước theo luật định như: đề xuất bố trí công việc khác cho NLĐ; tổ chức thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ; trao đổi với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở về cắt giảm lao động; Thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ và thực hiện trách nhiệm của DN khi cắt giảm lao động theo quy định... Mặt khác, công ty có tuyển lao động nhưng không tuyển vị trí lái xe nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T." - đại diện công ty phân tích.
Tại phiên xử mới đây, tòa TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định việc công ty ban hành quyết định thôi việc phù hợp với tình hình thực tế của DN và quy định pháp luật, nên bác yêu cầu khởi kiện của ông T.
Cân nhắc kỹ thiệt hơn
Khi cắt giảm lao động, ngoài cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp, DN cần tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục pháp luật quy định để tránh tranh chấp phát sinh. Trước khi cho NLĐ thôi việc vì bất kỳ lý do gì, áp dụng phương án nào, kể cả phương án ít rủi ro nhất là thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, DN cũng nên cân nhắc đến vấn đề hài hòa quyền lợi các bên, đến các yếu tố trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, lợi ích lâu dài của DN. Đặc biệt về khả năng thu hút lao động về sau, bởi việc cắt giảm nhân sự, nhất là số lượng lớn, thường gây lo ngại và tác động tiêu cực đến tinh thần của đội ngũ nhân viên.
Bình luận (0)