Nhưng thực tế, càng gần tới mốc 2018 chúng ta càng lo lắng vì sự biến chuyển tương đối ít trong ngành mía đường. Năng suất và chất lượng vẫn thấp, canh tác vẫn lạc hậu... Năm 2017, sau khi chủ động họp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam để đánh giá, ghi nhận tình hình, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho chủ trương đàm phán, thuyết phục cộng đồng đối tác cho Việt Nam lùi thời hạn mở cửa thị trường thêm 2 năm. Với nỗ lực ngoại giao, chúng ta đã thuyết phục ASEAN đồng ý thời điểm mở cửa chính thức với ngành đường của Việt Nam là 1-1-2020 mà không có bất cứ sự trừng phạt nào.
Sau vài tháng bắt buộc mở cửa, đường giá rẻ của Thái Lan tràn vào Việt Nam. Dựa trên số liệu thu thập được, chúng tôi đã nhanh chóng khởi động điều tra và quyết định đánh thuế bán phá giá 47,64% với đường Thái Lan. Đây là quyết định chưa từng có. Động thái này không phải để bảo hộ đường trong nước mà nhằm lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, lường trước việc đánh thuế cao có thể khiến đường Thái Lan đi vòng qua nước khác rồi vào Việt Nam với mục đích lẩn tránh thuế, tháng 9 vừa qua, chúng tôi khởi động điều tra chống lẩn tránh thuế với đường Thái Lan.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân với mục tiêu cao nhất là phải tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì trong phạm vi pháp luật cho phép để hỗ trợ ngành mía đường Việt Nam. Các giải pháp được đề ra sẽ dựa trên cơ sở cân đối quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Nếu thiên về một nhóm lợi ích, chính sách sẽ thất bại. Quan điểm của Bộ Công Thương là không bảo hộ mù quáng với ngành mía đường, hướng tới lập lại trật tự kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng.
Tôi cũng đề nghị tách bạch ngành mía với ngành đường, không đánh đồng 2 ngành là một vì bản chất khác nhau, không nhất thiết phụ thuộc lẫn nhau. Nông dân không làm mía thì có thể làm ngành khác hiệu quả hơn. Nhưng, nhà máy đường không có mía chắc chắn phá sản. Do đó, các nhà máy phải coi nông dân là khách hàng, hợp tác trên tinh thần cao nhất để họ tiếp tục đồng hành với mình. Cụ thể, doanh nghiệp cần đưa ra giá mua hợp lý cho nông dân bởi bình quân giá thu mua 1 triệu đồng/tấn hiện nay chưa phải là cao. Ngược lại, nông dân cũng phải nắm được giá đường trên thị trường để có căn cứ đàm phán giá với doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngành đường cần trung thực với chính mình, tránh đổ lỗi cho đường nhập lậu, đổ lỗi cho hội nhập khiến chúng ta khó khăn. Mới chỉ mở cửa 9 tháng, làm sao hội nhập khiến ngành đường khó khăn như hiện tại được? Phải nhìn nhận đúng thực trạng để nhà nước đưa ra chính sách đúng đắn cho ngành, nếu không sẽ thiết kế sai chính sách.
Bình luận (0)