xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khan hiếm kỹ sư chất lượng, doanh nghiệp lo lắng

Bài và ảnh: TRUNG NAM

Mức lương hấp dẫn, đãi ngộ tốt nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tìm đủ ứng viên kỹ sư chất lượng cao

Nhà thầu dự án sân bay Long Thành cần tuyển hơn 30 vị trí cấp trung và cấp cao với mức lương 300 - 400 triệu đồng/tháng nhưng không có ứng viên người Việt nộp hồ sơ. Đây là thách thức lớn về cung - cầu lao động, nhất là lao động chất lượng cao. Câu chuyện này chưa kịp lắng xuống thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) than khó tuyển đủ kỹ sư chất lượng cao cho nhu cầu phát triển.

Khó tìm được người như mong muốn

Một công ty cổ phần tự động hóa có văn phòng ở TP Thủ Đức, TP HCM cho biết năm nào công ty cũng có nhu cầu tuyển khoảng 10 kỹ sư lắp đặt, bảo trì tay nghề cao cho các dự án mới về máy in, đóng gói, chiết rót... Năm 2024, DN đề ra mục tiêu tuyển 12 kỹ sư có kinh nghiệm, sẵn sàng trả lương cao (1.000 - 1.450 USD/tháng) và những phụ cấp hấp dẫn khác nhưng từ đầu năm đến nay mới chỉ có 3 ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Đại diện công ty cho biết điểm yếu của kỹ sư vận hành máy móc tại Việt Nam là thích nghi hơi chậm so với tiến bộ công nghệ hiện đại. Thêm nữa, khả năng sử dụng công nghệ của ứng viên cũng rất hạn chế, nhiều người không phân biệt được các loại dây cáp trong các máy vận hành hiện đại. "Có lẽ nguyên nhân là do việc thực hành tại trường đại học hạn chế và khả năng tự học chưa cao. Chúng tôi yêu cầu rất bình thường nhưng ít hồ sơ đạt yêu cầu" - đại diện công ty nói.

Một tổng thầu trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, bảo hành, bảo trì công nghiệp tại quận 12, TP HCM cũng đang ráo riết tuyển 35 kỹ sư cho các dự án mới. Trong đó, có 10 kỹ sư xây dựng, còn lại là kỹ sư điện, môi trường, địa chất... Theo người đại diện tuyển dụng, sau gần 2 tháng, dùng các kênh Facebook, TikTok, chuyên trang tuyển dụng, gửi thông báo đến các trường đại học và đăng báo nhưng đến nay mới chỉ tuyển được hơn một nửa.

Ở mảng kỹ sư công nghệ, ông Huỳnh Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Bách Khoa (quận Tân Phú, TP HCM), nhìn nhận chất lượng ứng viên kỹ sư công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu của DN. Các vị trí khác như kinh doanh, kế toán, hành chính, hỗ trợ kỹ thuật… tuyển rất dễ nhưng kỹ sư công nghệ thì như "đãi cát tìm vàng". 

"Chúng tôi đẩy mạnh phát triển công nghệ ứng dụng vào giáo dục nên cần nhiều kỹ sư có trình độ tay nghề cao, khả năng sáng tạo, tư duy tiến bộ để giải quyết mọi vấn đề liên quan công nghệ về trí tuệ nhân tạo, học máy, lập trình… Nhưng rất khó tìm được nhân sự như mong muốn" - ông Thắng than.

Khan hiếm kỹ sư chất lượng, doanh nghiệp lo lắng- Ảnh 1.

Một doanh nghiệp mời chuyên gia nước ngoài phỏng vấn ứng viên kỹ sư vận hành

Nâng chất lượng đào tạo

Bà Chu Thị Ngọc Hạnh, Giám đốc tài chính của Navigos Group, cho biết chất lượng ứng viên đang là vấn đề lớn trong tuyển dụng hiện nay mà nhiều DN đang gặp phải. Trong "Báo cáo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới" vừa được Navigos Group phát hành cho thấy hơn 54% DN được hỏi cho biết thách thức họ gặp phải là ứng viên không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Từ thách thức đó, cộng đồng DN kỳ vọng nhà trường có thể nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật những yêu cầu mới của DN vào chương trình giảng dạy. "Trong bối cảnh hiện nay, cả sinh viên và người lao động đều có thể chủ động học hỏi, phát triển thêm các kỹ năng cần thiết để hoàn thiện bản thân, nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường lao động" - bà Hạnh nhắn nhủ.

Hiện Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, nên nhu cầu nhân lực trong ngành sản xuất vẫn ổn định và gia tăng. Theo bà Hạnh, nhu cầu kỹ sư lành nghề trong ngành sản xuất ngày một lớn khi các nhà máy đang chuyển đổi sản xuất xanh, đổi mới dây chuyền hoặc tự động hóa.

TS Hoàng Thái Hưng, Trường ĐH Tài chính - Marketing, đánh giá Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất, chip bán dẫn và nhiều ngành công nghệ cao. Nhưng cơ hội sẽ nhanh chóng trôi qua nếu Việt Nam không tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Để có nguồn nhân lực này, nhiều trường có các chương trình đào tạo kỹ sư tài năng, kỹ sư chất lượng cao. Tuy vậy, số lượng còn quá ít so với nhu cầu của thị trường lao động. Đối với ngành kỹ thuật và công nghệ, không phải sinh viên nào cũng có thể theo học được những ngành đòi hỏi khả năng tư duy trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, toán, lý, hóa. Không phải cơ sở giáo dục nào cũng có thể đào tạo được kỹ sư, cử nhân máy tính, điện tử, tin học, chip bán dẫn... mà phải có đội ngũ giảng viên giỏi, cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại. 

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo khoảng 100.000 kỹ sư chất lượng cao cho ngành công nghệ cao đến năm 2030 là khả thi nếu đó là mệnh lệnh. Bắt đầu từ việc nâng chất đội ngũ giảng viên bằng các cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài, nhất là người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia đào tạo. Ngoài ra, cần đổi mới phương pháp giáo dục, đầu tư cơ sở hạ tầng thực nghiệm, thực hành để sinh viên ra trường bắt tay được ngay vào công việc.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo