“VINASTAS là hội bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng nhưng không vì thế mà lợi dụng để tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Những công bố mập mờ sẽ gây hoang mang cho người tiêu dùng, thậm chí trực tiếp ảnh hưởng tới việc kinh doanh bình thường theo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp” - ông Quang nhìn nhận.
Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết gần đây đã ra đời quá nhiều loại nước mắm khiến người tiêu dùng “hoa mắt”. Trong đó, nhiều loại là nước chấm, nước mắm pha chế chứ không phải nước mắm chuẩn mực. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng phải có quy chuẩn để buộc người sản xuất chấp hành.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết tiêu chuẩn về nước mắm được quy định tại TCVN 5107:2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ. TCVN chỉ quy định các chỉ tiêu hóa học bao gồm hàm lượng nitơ toàn phần (độ đạm), nitơ axít amin, nitơ aminiac, hàm lượng muối; chỉ tiêu vi sinh vật như tổng số vi sinh vật hiếm khí, số khuẩn lạc, coliforms, E.coli, bào tử nấm men, nấm mốc... Theo tiêu chuẩn này, hàm lượng nitơ toàn phần không nhỏ hơn 10 g/lít; hàm lượng axít amin đối với nước mắm hạng đặc biệt không nhỏ hơn 55%, nước mắm thường không nhỏ hơn 50%, hạng 1 không nhỏ hơn 40% và hạng 2 không nhỏ hơn 35%. Dư lượng kim loại nặng trong nước mắm được quy định với hàm lượng chì 1 mg/lít.
Theo ông Phong, dù đã có Bộ Tiêu chuẩn Codex về nước mắm do Ủy ban Codex Việt Nam và Thái Lan đồng chủ trì biên soạn, tuy nhiên đến thời điểm này, sản phẩm nước mắm vẫn áp dụng theo TCVN 5107:2003. Các tổ chức, cá nhân cùng tham gia kiểm soát về an toàn thực phẩm nhưng phải theo quy định. Việc giám sát trên thị trường do các cơ quan được giao nhiệm vụ lấy mẫu kiểm nghiệm. Trong trường hợp nghi ngờ chất lượng có vấn đề cơ quan quản lý sẽ thanh kiểm tra dựa trên kết quả giám sát.
Bảo vệ nước mắm truyền thống
Ngày 24-10, các hội nước mắm truyền thống trên cả nước như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận) cùng Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thống nhất chương trình hành động để bảo tồn, phát triển, cải tiến chất lượng nước mắm.
Theo đó, sẽ vận động 2.800 cơ sở, DN sản xuất nước mắm truyền thống trên cả nước cùng tham gia nguồn lực và kinh nghiệm để bảo vệ, phát triển đặc sản nước mắm làm từ cá và muối. Tự công bố chuẩn mực của nước mắm truyền thống, giám sát nội bộ để bảo đảm chất lượng. Phối hợp các nguồn lực để thực hiện chương trình truyền thông giúp người tiêu dùng hiểu rõ về giá trị nước mắm truyền thống và địa chỉ bán nước mắm truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho rằng đã đến lúc nước mắm truyền thống phải tự chuẩn hóa sản phẩm, quy trình sản xuất và minh bạch thông tin. Đây là cơ hội để nước mắm truyền thống quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, đặc biệt là vùng nông thôn, người có thu nhập thấp.
Ng.Ánh
Bình luận (0)