Theo các kết quả khảo sát, trong số hàng triệu lao động làm công việc tự do (freelancer), số lao động làm các công việc có trình độ cao (như nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao, kỹ thuật bậc trung, nhân viên văn phòng) chiếm tỉ trọng rất thấp. Bên cạnh đó, đa số lao động tự do phải đối mặt với thời gian làm việc kéo dài, thu nhập không ổn định, khó tiếp cận an sinh xã hội…
Loại bỏ tư duy ngắn hạn
Năm 2023, công ty khó khăn về đơn hàng, thu nhập giảm sút, chị Phạm Thị Ny (công nhân một công ty tại KCX Tân Thuận) quyết định nghỉ việc và xây dựng kênh TikTok bán hàng online (các loại đặc sản địa phương).
Khi ấy, do không có chi phí để đầu tư, chị Ny tự quay video, livestream để tăng tương tác và bán hàng, thậm chí nguồn cung ứng, giao hàng. Ban đầu, nhờ đồng nghiệp và người quen ủng hộ nên thu nhập tạm ổn định. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng, do lượt người theo dõi thấp, nội dung kênh nghèo nàn, các video không được lên xu hướng, nên khó tiếp cận khách hàng mới, lượng đơn hàng từ người cũng quen vơi dần, chị Ny bắt đầu gặp khó khăn.
Có ngày chị ngồi livestream 4 - 5 giờ chỉ có 1 - 2 đơn hàng. Sau 1 năm cầm cự, chị phải quay lại công ty cũ làm việc để bảo đảm cuộc sống. "Tôi không bỏ hẳn công việc bán hàng online mà đang cố gắng học thêm một số kỹ năng để xây kênh hiệu quả, hy vọng có thể khởi đầu lại vào một thời điểm thích hợp" - chị Ny bày tỏ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, trong một thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng bởi công nghệ, biến động kinh tế và sự dịch chuyển mô hình việc làm, người làm nghề tự do không thể chỉ dựa vào kỹ năng hiện tại để tồn tại. Muốn đi đường dài với nghề, các freelancer cần không ngừng học hỏi, chủ động cập nhật kiến thức, công nghệ mới, đồng thời mở rộng vòng kết nối nghề nghiệp để tăng cơ hội tiếp cận công việc và học hỏi từ người khác.

Ngoài kỹ năng, lao động tự do cần am hiểu kiến thức pháp luật. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Ông Tuấn cũng lưu ý một nhóm lao động đặc biệt đang ngày càng phổ biến. Đó là những người kiếm sống thông qua các nền tảng mạng xã hội, như sáng tạo nội dung, bán hàng online, làm KOL hay freelancer trong lĩnh vực truyền thông số. Với nhóm này, sự tỉnh táo càng quan trọng hơn bao giờ hết.
"Mạng xã hội là công cụ hỗ trợ công việc, người lao động (NLĐ) cần làm chủ được thời gian, cảm xúc và giá trị thật của mình, tránh bị cuốn vào thế giới ảo, dẫn đến lệch lạc trong hành vi và mất phương hướng trong công việc lẫn cuộc sống" - ông Tuấn phân tích.
Trước những lo ngại nghề tự do sẽ bị trí tuệ nhân tạo thay thế, ông Tuấn cho rằng điều quan trọng là NLĐ phải thay đổi tư duy. Mỗi freelancer cần chuyển từ người làm thuê ngắn hạn thành chuyên gia độc lập, biết sử dụng công nghệ thành thạo, nhất là khả năng sáng tạo, điều mà máy móc khó thay thế.
Định hình hệ thống bảo trợ linh hoạt
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), điều đáng chú ý là sự phân tầng rõ rệt trong cộng đồng lao động tự do. Ở tầng trên là những "người làm tự do chủ động", có kỹ năng cao, thu nhập ổn định, họ lựa chọn con đường tự do nghề nghiệp.
Ở tầng dưới là những "lao động thời vụ bị động", người buộc phải chấp nhận việc làm không ổn định. Sự phân hóa này tạo ra những thách thức chính sách khác nhau: nhóm đầu cần hỗ trợ phát triển, nhóm sau cần bảo vệ quyền lợi.
Do vậy, cần có những điều chỉnh chính sách đồng bộ. Trước hết, hệ thống giáo dục cần chuyển từ đào tạo "nhân lực tuân thủ" sang phát triển "nhân tài sáng tạo". Các kỹ năng như tư duy phê phán, quản lý bản thân và khởi nghiệp cần được tích hợp từ sớm và có các chương trình đào tạo chuyên biệt về quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng đàm phán, xây dựng thương hiệu cá nhân.
Việt Nam cũng cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng hệ thống bảo trợ linh hoạt. Thay vì BHXH truyền thống gắn với doanh nghiệp, cần phát triển mô hình bảo hiểm cá nhân để giúp NLĐ giảm bớt gánh lo về an sinh xã hội. Hệ thống pháp luật cũng cần công nhận và bảo vệ quyền lợi của NLĐ trên các nền tảng số như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp trong môi trường ảo... Đồng thời, chính sách thuế cần phù hợp và cho phép khấu trừ các chi phí đầu tư cho phát triển kỹ năng.
"Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ lao động tự do. Các không gian làm việc chung, nền tảng kết nối và giao dịch, hệ thống tư vấn nghề nghiệp chuyên biệt và các chương trình cố vấn có thể giúp giảm bớt tính cô lập và tăng cường hiệu quả làm việc" - ông Lộc góp ý.
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, sự linh hoạt và độc lập của freelancer là những điểm cộng lớn nhưng đi kèm là những rủi ro pháp lý tiềm ẩn mà nếu không nắm rõ, NLĐ có thể gặp rắc rối. Hiện nay, lao động tự do thường không ký hợp đồng lao động mà chỉ ký hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác viên, tư vấn viên (điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự).
Điều này đồng nghĩa với việc họ không được hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp hay các chế độ phúc lợi như phép năm, thai sản, ốm đau, tai nạn lao động… Do đó, một trong những nguyên tắc vàng đối với người làm việc tự do là luôn yêu cầu đối tác, khách hàng có hợp đồng bằng văn bản, tuyệt đối không thỏa thuận miệng. Đây là căn cứ pháp lý để bảo vệ NLĐ khi tranh chấp xảy ra.
Bảo đảm an sinh cho bản thân
Luật sư Trần Hữu Tín khuyến nghị NLĐ cần trang bị cho mình kiến thức pháp lý vững vàng. Nó sẽ là nền tảng vững chắc giúp NLĐ bảo vệ quyền lợi, giảm thiểu rủi ro và phát triển trong môi trường làm việc tự do đầy tiềm năng. Ngoài ra, NLĐ cần xem xét đến việc tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện để bảo đảm an sinh lâu dài cho bản thân.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-7
Bình luận (0)