Ngành F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống…) có tốc độ phát triển nhanh nhưng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với bà Trần Thị Quế An, Giám đốc chuỗi cung ứng kiêm Quản lý chất lượng Công ty CP Maycha (quận 3, TP HCM), về vấn đề này.
* Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về nhân lực ngành F&B?
- Bà TRẦN THỊ QUẾ AN: Lao động trong ngành này đa số là lao động đại trà như nhân viên phục vụ (chiếm 60% - 70%). Sinh viên, công nhân chọn đây là nghề làm thêm nên không gắn bó lâu dài, từ đó ít trang bị kiến thức bài bản.
Hiện nay, ít có trường đào tạo chuyên sâu cho ngành này hoặc nếu có thì chỉ đào tạo cho đối tượng quản lý. Do đó, có 40% nhân lực quản lý trong chuỗi F&B không được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Nhân lực làm trong nhóm này đa phần từ ngành hàng tiêu dùng nhanh chuyển qua, phải mất khoảng từ 1 - 2 năm mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong khi đó, F&B là ngành đòi hỏi phải thay đổi nhanh để cạnh tranh.
* Thách thức lớn nhất hiện này gì, thưa bà?
- Việt Nam hiện chưa có trường đào tạo chuyên nghiệp để trở thành chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thực phẩm (Food technology), đầu bếp (Chef). Còn các ngành về quản trị chuỗi cung ứng (SCM), logistics (vận chuyển), QA/QC (kiểm soát chất lượng) cũng chỉ dạy chung chung.
Với chất lượng về nhân lực hiện nay, doanh nghiệp (DN) ngành F&B gặp khá nhiều thách thức. Người làm lâu lên quản lý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, không có kiến thức nền tảng để hỗ trợ DN phát triển. Trong khi đó, nhân sự được đào tạo ở ngành khác về lại không thích ứng được. Chủ của ngành F&B xuất thân từ quán nhỏ thành chuỗi rồi thành tập đoàn.
Lao động ngành này liên tục nhảy việc, vì có nhiều cơ hội phát triển và thu nhập cao hơn. Đa phần chính sách phúc lợi dựa vào hiệu quả kinh doanh nhưng khi chuỗi xuống nhanh, DN sẽ cắt giảm phúc lợi và NLĐ sẽ nhảy việc. Thêm vào đó, các chuỗi nước ngoài hiện nay đầu tư vào Việt Nam nhiều. Đây là thách thức không nhỏ với các DN, chuỗi cửa hàng của Việt Nam.
* Bà có lời khuyên gì với người lao động?
- Cơ hội việc làm ngành này rất lớn, vì NLĐ không chỉ làm trong DN mà còn theo các chuỗi: F&B, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cà phê, trà sữa, nhà hàng, khách sạn, quán ăn… Làm trong ngành F&B, NLĐ sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là có thời gian linh hoạt hơn và thu nhập tốt hơn các ngành khác.
Do đó, TP HCM nói riêng và cả nước nói chung cần tập trung đầu tư đào tạo các ngành chuyên biệt như: culinary (chế biến thực phẩm), SCM và logistics, QA/QC...; Hình thành các trung tâm đào tạo cho sinh viên mới ra trường và hoặc người lao động muốn chuyển đổi nghề nghiệp để giúp họ tự tin hơn khi nắm bắt cơ hội việc làm mới. Ngoài ra, sinh viên học các ngành thực phẩm cần mạnh dạn chọn các ngành trong lĩnh vực F&B thực tập để tích lũy thêm kinh nghiệm.
Sau dịch COVID-19, nhiều DN, cửa hàng sẵn sàng trả lương gấp rưỡi cho NLĐ nhưng phải làm việc gấp 3. Đồng thời, NLĐ phải có khả năng làm "nhiều vai" mới thu nhập tốt hơn. Đây là cơ hội và cũng là thách thức, nếu NLĐ không chịu thay đổi sẽ bị đào thải. n
Bình luận (0)