Gần đây, thông tin Nvidia - hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới và một trong những công ty công nghệ dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) - mở rộng tuyển dụng tại Việt Nam đã tạo sức hút lớn đối với cộng đồng lao động công nghệ.
Các vị trí đăng tuyển trên LinkedIn không chỉ mở ra triển vọng việc làm hấp dẫn mà còn hứa hẹn một môi trường làm việc hiện đại cùng cơ hội tham gia vào những dự án công nghệ đẳng cấp quốc tế.
Động thái này diễn ra không lâu sau chuyến thăm Việt Nam của CEO Jensen Huang, người từng khẳng định: "Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của Nvidia". Trong chuyến đi, Nvidia đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam, bao gồm việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI (R&D) và Trung tâm Dữ liệu AI.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án này triển khai hiệu quả, đồng thời đề nghị Nvidia hỗ trợ Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp công nghệ và các trường đại học kỹ thuật nhằm thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ trong nước.
Nvidia cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển AI phù hợp với xu thế toàn cầu, đồng thời tôn trọng văn hóa, lịch sử và điều kiện thực tế của đất nước.
Sự hiện diện của Nvidia tại Việt Nam mang đến kỳ vọng lớn trong cộng đồng công nghệ. Nhiều kỹ sư phần mềm, chuyên gia AI và nhà phát triển công nghệ coi đây là cơ hội tham gia vào các dự án quốc tế, nâng tầm kỹ năng và khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Một số ý kiến cho rằng sự đầu tư này sẽ tạo ra làn sóng đổi mới mạnh mẽ, đồng thời thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ khu vực.
Tuy nhiên, Nvidia gia nhập cũng đồng nghĩa với việc tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực nhân sự công nghệ. Các doanh nghiệp trong nước sẽ cần cải thiện chính sách đãi ngộ và xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn hơn để tránh nguy cơ "chảy máu chất xám" về phía các tập đoàn quốc tế.
Quy trình tuyển dụng của Nvidia nổi tiếng với sự khắt khe. Theo khảo sát của Glassdoor, 60% ứng viên tham gia phỏng vấn tại Nvidia cho biết họ có trải nghiệm tích cực, trong khi 18% có trải nghiệm tiêu cực và 23% trung lập.
Quy trình tuyển dụng của Nvidia kéo dài từ 3-8 tuần, gồm nhiều vòng phỏng vấn. Giai đoạn đầu là sàng lọc hồ sơ, nơi nhà tuyển dụng tập trung vào kỹ năng, kinh nghiệm và dự án của ứng viên. Tiếp theo, ứng viên phải vượt qua các buổi phỏng vấn kỹ thuật qua điện thoại, kéo dài khoảng 1 giờ, để giải quyết các bài toán về mã hóa, thuật toán và cấu trúc dữ liệu. Những người xuất sắc sẽ bước vào chuỗi phỏng vấn trực tiếp, mỗi buổi khoảng 45 phút, kiểm tra kỹ năng lập trình (C++, Python), kiến thức về kiến trúc máy tính, hệ thống nhúng và khả năng giải quyết tình huống thực tế.
Vòng cuối cùng đánh giá toàn diện khả năng xử lý tình huống, tư duy phản biện và khả năng thích nghi với văn hóa doanh nghiệp.
Một minh chứng cho sức hút của Nvidia là câu chuyện của Linh Nguyễn, nhân sự thuộc bộ phận tuyển dụng của tập đoàn. Gia nhập Nvidia từ năm 2010, Linh và đội ngũ của mình đã sàng lọc hàng trăm hồ sơ mỗi ngày để tìm kiếm những tài năng trẻ, góp phần xây dựng đội ngũ toàn cầu của công ty.
Theo cô, để thành công tại Nvidia, ứng viên không chỉ cần khả năng giao tiếp, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, mà còn phải thể hiện niềm đam mê công nghệ cùng sự hiểu biết về sứ mệnh của công ty. Những trải nghiệm từ hoạt động ngoại khóa, tình nguyện hay các khóa học chuyên sâu đều là lợi thế giúp ứng viên nổi bật.
Việc Nvidia mở rộng hoạt động tại Việt Nam không chỉ khẳng định tiềm năng của nguồn nhân lực trong nước mà còn đặt ra thách thức lớn cho ngành công nghệ nội địa. Sự hiện diện của một "ông lớn" quốc tế như Nvidia đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện mạnh mẽ từ chính sách nhân sự đến năng lực cạnh tranh.
Bình luận (0)