xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Phông bạt" CV, lợi bất cập hại

HỒNG ĐÀO - HUỲNH NHƯ

Khi ứng viên không trung thực, DN không chỉ mất thời gian và chi phí tuyển dụng mà còn đối diện với rủi ro về hiệu suất làm việc và uy tín thương hiệu

Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Hành chính - Tổ chức Công ty TNHH May Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết khi doanh nghiệp (DN) ông cần tuyển một nhân viên cơ điện thì nhận được CV (hồ sơ xin việc) rất phù hợp nhưng đến khi vào thì ứng viên (ƯV) không làm được việc.

"Phóng đại" năng lực

Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao miền Bắc của ManpowerGroup Việt Nam, cho biết không ít lần bà gặp những ứng viên "phông bạt" kiểu này, nhất là các thông tin về thời gian làm việc, chức vụ đảm nhận và thành tích.

Ứng viên tìm việc tại một ngày hội việc làm ở TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ

Ứng viên tìm việc tại một ngày hội việc làm ở TP HCM .Ảnh: HUỲNH NHƯ

Bà Thanh đưa ra một trường hợp ƯV ứng tuyển vào vị trí trưởng phòng kinh doanh cho công ty trong ngành phân phối sản phẩm công nghiệp. Trong hồ sơ và thư ứng tuyển, ƯV kê khai đã có 6 năm kinh nghiệm ở vị trí trưởng phòng kinh doanh tại một công ty lớn cùng ngành; đã từng dẫn dắt đội ngũ bán hàng đạt doanh số tăng trưởng 200% trong vòng 2 năm trước khi nghỉ; có các khách hàng là những DN hàng đầu trong nước.

Trong buổi phỏng vấn, bà đã đặt các câu hỏi sâu về cách lập chiến lược kinh doanh cụ thể thì anh ấy chỉ trả lời chung chung. "Tôi đã kiểm tra chéo ở công ty cũ thì được biết anh ấy chỉ đảm nhận vị trí nhân viên kinh doanh cấp cao, không có kinh nghiệm quản lý nhóm. Do đó, tôi đã từ chối hỗ trợ tiếp" - bà Thanh kể.

Bà Bùi Thị Kiều Mi, Giám đốc toàn quốc Bộ phận Phát triển khách hàng của Công ty CP Adecco Việt Nam (quận 4, TP HCM), cho biết trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm tra tham chiếu (reference check) cho khách hàng, công ty đã phát hiện một số ƯV khai báo thông tin không chính xác trên CV. Phổ biến nhất là việc ƯV làm tròn hoặc kéo dài thời gian làm việc, thậm chí "phóng đại" cấp bậc đảm nhiệm.

Đáng chú ý là vấn nạn sử dụng bằng cấp giả vẫn còn phổ biến. Dù nhiều DN ngày nay không quá chú trọng vào bằng cấp nhưng hành động sử dụng bằng giả vẫn phản ánh sự thiếu trung thực, ảnh hưởng không chỉ đến quá trình tuyển dụng mà còn tác động lâu dài đến uy tín và hiệu quả làm việc sau này.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo bà Bùi Thị Kiều Mi, việc khai khống thông tin hay sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để "làm đẹp" CV đang phổ biến, trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh và cơ hội việc làm khan hiếm.

Khi ƯV không trung thực, DN không chỉ mất thời gian và chi phí tuyển dụng mà còn đối diện rủi ro về hiệu suất làm việc và uy tín thương hiệu. "Việc chọn nhầm ƯV có thể dẫn đến những thiệt hại dài hạn cho DN. Bên cạnh đó, ƯV cũng có nguy cơ gặp căng thẳng, kiệt sức khi không thể đáp ứng yêu cầu công việc" - bà Mi đánh giá.

Như trường hợp chị Phạm Thị Kim Thoa (ngụ quận 8, TP HCM) đã có một bài học đáng nhớ về việc "nói quá" trong CV. Sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học và được đào tạo trở thành hướng dẫn viên du lịch, chị đã có một thời gian dài dẫn tour. Song, áp lực từ công việc khiến chị mệt mỏi nên quyết định tìm kiếm cơ hội mới tại một công ty du lịch ở quận 3, TP HCM để làm việc tại văn phòng.

Trong hồ sơ ứng tuyển, chị tự tin nêu khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm Adobe và Microsoft, cùng với một bộ dữ liệu phong phú về hướng dẫn viên, nhà xe, nhà hàng và khách sạn từ miền Trung trở vào. Với những thông tin này, chị đã vượt qua các vòng phỏng vấn và chính thức nhận việc.

 Nhưng khi bắt đầu công việc thực tế, chị gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ. "Trên thực tế, kỹ năng của tôi về Adobe và Microsoft chỉ ở mức cơ bản nên khi chính thức "xung trận", tôi thường xuyên gặp rắc rối, chậm trễ thời gian, làm các bộ phận phàn nàn. Sau 3 tháng, tôi quyết định xin nghỉ việc" - chị Thoa bày tỏ.

Với sự phát triển của công nghệ và các quy trình kiểm tra tham chiếu chuyên sâu, việc khai khống CV không mang lại lợi ích mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thu Thanh khuyên ƯV cần trung thực để tránh bị từ chối hỗ trợ từ "vòng giữ xe" khi đi ứng tuyển. 

Bà LÊ THỊ ĐOAN TRINH, Phó Tổng Giám đốc khối nhân lực Công ty CP Đầu tư Scommerce: Ứng viên phải giải bài tập

Với 21 năm làm công việc tuyển dụng, tôi gặp nhiều trường hợp ƯV "phông bạt" CV. Vì thế, chúng tôi chia ƯV làm 2 nhóm: nhóm đại trà thì tuyển dụng không gắt gao; nhóm quan trọng thì tiêu chí tuyển dụng khắt khe. Có những vị trí phải 2 - 3 tháng DN mới tuyển được người. Khi ƯV vượt qua các vòng, chúng tôi sẽ giao bài tập. ƯV vào DN làm việc như một người lao động thực thụ để giải bài tập đó. Nếu thấy cách giải ổn, sau khi phỏng vấn chuyên sâu, ƯV sẽ được nhận vào DN làm việc.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo