Kết luận này được đưa ra dựa trên số dữ liệu thu thập từ những người sử dụng ứng dụng Entrain.
Khoảng 6.000 người từ 15 tuổi trở lên được yêu cầu gửi dữ liệu giấc ngủ, thời điểm thức giấc, điều kiện ánh sáng. Họ còn cung cấp thông tin về độ tuổi, giới tính, quốc gia và múi giờ.
Kết quả phân tích giúp các nhà khoa học biết được độ tuổi, giới tính, lượng ánh sáng tự nhiên tiếp xúc hằng ngày ảnh hưởng thế nào đến giấc ngủ của người dân ở 100 quốc gia. Ngoài ra, chương trình còn giúp họ hiểu rõ hơn về tác động của áp lực văn hóa lên nhịp điệu sinh học của con người.
Theo thống kê, thời gian ngủ trung bình thấp nhất là 7 giờ 24 phút (ở Singapore và Nhật Bản), còn cao nhất là 8 giờ 12 phút (ở Hà Lan). Tìm hiểu sâu hơn, các tác giả còn phát hiện nữ giới ngủ nhiều hơn nam giới khoảng 30 phút/đêm. Ngoài ra, tuổi tác là yếu tố chính quyết định đến thời lượng giấc ngủ. Chẳng hạn, đàn ông trung niên có số giờ ngủ ít nhất, thấp hơn mức được đề nghị (7-8 giờ).
GS Daniel Forger, một trong những nhà nghiên cứu, nói với đài BBC rằng con người đang tồn tại mâu thuẫn giữa việc muốn thức khuya và phải dậy sớm vào buổi sáng.
“Áp lực xã hội buộc chúng ta thức khuya nhưng đồng hồ sinh học con người lại cố gắng dậy sớm khiến thời gian ngủ ít lại. Đó là điều đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng giấc ngủ toàn cầu” - ông Forger nhận định.
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 3 người Mỹ trưởng thành sẽ có một người không ngủ đủ tối thiểu 7 giờ/ngày.
CDC cảnh báo tình trạng thiếu ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, cao huyết áp và tim mạch. Không những thế, nghiên cứu nêu trên cho rằng người thiếu ngủ còn bị giảm sút khả năng nhận thức trong lúc sức khỏe bị đe dọa.
Bình luận (0)