Trình bày tham luận “Vấn đề thất nghiệp và việc làm: Hiện trạng và giải pháp”, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐ-TB-XH), TS Nguyễn Thị Lan Hương, một lần nữa khẳng định tỉ lệ thất nghiệp 1,84% là “con số đáng tin cậy” dựa trên phương pháp thống kê chuẩn của Tổng cục Thống kê.
Doanh nghiệp chết thì lấy đâu ra việc làm?
Không đồng tình với lập luận của đại diện Bộ LĐ-TB-XH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nói thẳng: “Con số 1,84% được điều tra và công bố là phương pháp tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Phương pháp này đúng nhưng không phù hợp với Việt Nam, con số này không có cơ sở và thuyết phục”.
Ông Lợi giải thích cách tính lao động thất nghiệp của ILO là căn cứ vào số lượng người mất việc làm trên tổng lực lượng lao động xã hội và trong 7 ngày. Mặt khác, cách họ chọn 500.000 hộ để điều tra cũng không chính xác đối với xã hội Việt Nam. Về phương pháp điều tra tỉ lệ người thất nghiệp cũng đưa ra 3 yếu tố: Người lao động trong 1 tuần không có việc làm hoặc có việc làm 1 giờ/ngày cũng không được coi là có việc làm; những người không có việc làm này lại có nhu cầu về việc làm và đang đi tìm việc.
Ông Lợi đánh giá phương pháp của ILO chỉ đúng ở một thị trường lao động tương đối ổn định và chủ yếu khu vực có quan hệ lao động chiếm tỉ lệ cao. Vì vậy, con số mà Bộ LĐ-TB-XH đưa ra không phản ánh được nhu cầu, đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam. Với 33% người lao động làm việc ở khu vực có quan hệ lao động mới có thể xác định được họ có mất việc làm, không có thu nhập, thất nghiệp… hay không; 67% còn lại làm việc trong khu vực phi chính thức. Ở Việt Nam, đi làm bảo vệ ban đêm, người giúp việc chỉ làm 2 giờ ban ngày nhưng đều có thu nhập, có nhu cầu kiếm việc. Nhiều người không cần việc làm mà vẫn có thu nhập từ người thân ở nước ngoài gửi về hoặc có nhà cho thuê…
“Khi công bố con số này, Bộ LĐ-TB-XH bị phản ứng là vì doanh nghiệp thì phá sản, lao động khu vực có quan hệ lao động đang chạy về khu vực không có quan hệ lao động, còn lao động nông thôn lại không chuyển về KCN, đô thị. Vì thế, chúng ta không thể xử lý được bài toán thất nghiệp” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Ông Lợi cho rằng để đánh giá chính xác tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam, không nên dùng chỉ tiêu chung như quốc tế mà chỉ nên dùng chỉ tiêu thất nghiệp trong khu vực đô thị và chỉ tiêu thiếu việc làm trong khu vực nông thôn.
Không đạt chỉ tiêu việc làm
Viện trưởng Nguyễn Thị Lan Hương thừa nhận tính đến hết năm 2014, chỉ tiêu tạo thêm 1,6 triệu việc làm sẽ không đạt. “Tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đề xuất không áp dụng chỉ tiêu 1,6 triệu lao động việc làm” - bà Hương nói.
Bà Hương nhìn nhận kinh tế phục hồi giúp tạo việc làm tốt hơn nhưng chuyển dịch cơ cấu việc làm chậm, tỉ lệ việc làm có thu nhập thấp còn cao. Tương tự, đối với nguồn nhân lực và lực lượng lao động, mức tăng việc làm giảm rất nhanh trong các năm gần đây do tác động của khủng hoảng kinh tế. Cụ thể, trước năm 2010, việc làm tăng trên 1,1-1,2 triệu mỗi năm, hiện tại chỉ tăng khoảng 800.000/năm dù nền kinh tế đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
Cùng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng chỉ tiêu giải quyết việc làm đặt ra hằng năm là mơ hồ. Ông dẫn ví dụ: 8 tháng đầu năm, cả nước đưa được 73.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng Bộ LĐ-TB-XH lại không trả lời được câu hỏi có bao nhiêu người về trước hạn. “Chí ít cũng có khoảng 10%-20% trong số 73.000 lao động về trước thời hạn. Như vậy, họ đang nghèo lại càng nghèo hơn vì phải vay vốn và không có tiền trả” - ông Lợi lo ngại.
Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2014 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của Chính phủ đưa ra tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng ngày cũng cho thấy cả 3 chỉ tiêu không đạt: Tạo việc làm, tỉ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc ở nền kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị.
Chất lượng lao động thấp
Đề cập chất lượng nguồn lao động - theo mục tiêu phấn đấu trong năm 2014 là đạt 52% lực lượng lao động được qua đào tạo, đến giờ đã đạt 49% - ông Bùi Sỹ Lợi nhận xét: “Đào tạo của ta rất kỳ, chỉ học 3 ngày cũng trở thành lao động qua đào tạo, không có bằng cấp cũng gọi là qua đào tạo”.
Theo ông Lợi, điều này dẫn đến năng suất lao động xã hội rất thấp, thậm chí còn thấp nhất trong khu vực. Điều đó cũng lý giải thêm về con số thất nghiệp của Việt Nam hiện nay.
TS Hương cho rằng Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số. Theo đó, thời kỳ 2010-2013, tốc độ tăng dân số đã xuống mức thấp, 1,05%/năm, bình quân mỗi năm chỉ tăng 928.000 người, trong khi dân số từ 60 tuổi trở lên (60+) lại tăng 4,43%/năm với 387.000 người. Tỉ lệ dân số 60+ tăng từ 9,4% lên 10,4% năm 2013 và 10,46% vào quý II/2014.
Bà Hương cho biết đến hết quý II/2014, vẫn còn trên 43,76 triệu người, chiếm 81,75% lực lượng lao động chưa được đào tạo. Số lao động qua đào tạo (chỉ tính người có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật) chiếm khiêm tốn, khoảng 18,25% tổng số lao động và tăng rất chậm (năm 2010 là 14,7%).
Bà Hương dẫn đánh giá của ILO cho biết nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng trình độ, kỹ năng và chuyên môn thấp của họ lại cản trở Việt Nam nắm bắt những cơ hội tốt. Trầm trọng hơn nữa là sự chênh lệch giữa kỹ năng của hệ thống giáo dục - đào tạo trang bị cho người lao động và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. Cũng theo ILO, hệ quả của tình trạng này là năng suất lao động của Việt Nam ở vào mức thấp nhất của châu Á - Thái Bình Dương.
Thống kê sai, ảnh hưởng chính sách
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về con số thống kê mang tính hình thức, thậm chí là bệnh thành tích, sẽ làm méo mó cơ chế chính sách và việc hoạch định chính sách có thể sai lệch, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: “Chắc chắc số liệu đầu vào lao động không đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách và đầu vào của nền kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp là 1,84% không phản ánh đúng thực tế thị trường lao động Việt Nam, vì thế có thể dẫn tới chiến lược lao động chệch hướng”.
Bình luận (0)