Thông tin trên được một vị quan chức thuộc Vụ Đối tác công - tư (PPP) thuộc Bộ GTVT đưa ra khi "đăng đàn" trên tờ báo thuộc ngành giao thông. Theo quan chức này, mức lợi nhuận của nhà đầu tư bị khống chế ở 11%-12%/năm hiện nay là thấp, trong khi tham vấn các nhà đầu tư nước ngoài họ đều kỳ vọng ở mức 15%-17%/năm. Để thu hút được các nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước vào các dự án hạ tầng giao thông, nhất là dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đề nghị nới trần lợi nhuận của các nhà đầu tư BOT giao thông lên 14%/năm.
Ngỡ ngàng với đề xuất trên của Bộ GTVT không hẳn về mức tăng mà chủ yếu về việc bộ đưa kiến nghị này vào thời điểm hiện nay. Đề xuất tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư BOT vào thời điểm dư luận và người dân cả nước đang nóng lên bởi các dự án này. Các dự án BOT với việc góp phần quan trọng vào việc cải thiện hạ tầng giao thông cả nước những năm qua được ghi nhận đúng mức. Song không phải vì thế mà không bức xúc bởi những tồn tại và vấn đề đặt ra đối với các dự án BOT. Trong đó, 2 vấn đề gây bức xúc nhất là sự minh bạch trong các dự án BOT và đặt sai vị trí các trạm thu phí BOT.
Những vấn đề nổi cộm của các dự án BOT đã được chỉ ra trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận của Thanh tra Chính phủ, kết quả kiểm toán… Theo đó, các dự án BOT có "vấn đề" từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án, lựa chọn nhà đầu tư… cho tới kiểm tra, giám sát thi công và vận hành dự án. Thế nên mới dẫn tới các bức xúc do thiếu minh bạch về mức thu phí, thời gian thu phí và nhất là vị trí đặt trạm thu phí sai.
Kiểm toán Nhà nước sau khi mới chỉ vào cuộc kiểm toán 27 dự án BOT, tức là chưa đầy 1/2 tổng số dự án BOT trên cả nước hiện nay, đã giảm tổng thời gian thu phí tới gần 100 năm. Nhiều dự án BOT giảm 5-7 năm, đặc biệt có dự án giảm thời gian thu phí tới 13 năm. Rõ ràng có nhiều chủ đầu tư dự án BOT đã ăn quá "dày". Đó cũng một phần nguyên nhân, cùng với việc đặt sai vị trí, khiến người dân có những phản ứng tại rất nhiều trạm thu phí trên cả nước thời gian qua.
Bộ GTVT với trách nhiệm được giao phải là cơ quan chính chịu trách nhiệm xem xét, giải quyết ngay những vấn đề tồn tại và bất cập đối với các dự án BOT hiện nay. Đây mới là công việc mà Bộ GTVT cần tập trung, ưu tiên cao nhất vào lúc này để giải quyết vấn đề BOT, thay vì kiến nghị có thể làm "nóng" thêm.
Bình luận (0)