Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Sở LĐ-TB-XH) cho hay trong 6 tháng đầu năm 2024, TP HCM cần tuyển tới 20.951 lao động phổ thông (chiếm 13,21% tổng nhu cầu nhân lực).
Các công việc tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành như kinh doanh thương mại; cơ khí - tự động hóa; dệt may - giày da; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm.
Đặc biệt, trong 6 tháng, chỉ có 564 lao động phổ thông tìm việc làm (chiếm 0,71% tổng số người có nhu cầu tìm việc), tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm lao động phổ thông; nhân viên nhập liệu tại nhà; nhân viên làm việc bán thời gian; nhân viên giao nhận hàng, bảo vệ, lao động giản đơn trong ngành cơ khí, thợ hồ, thợ in ấn.
Như vâỵ, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển gần 21.000 lao động phổ thông thì chỉ có 564 người tìm việc.
Lý giải về điều này, tại chương trình khảo sát của Ban Văn hóa- Xã hội Hội đồng Nhân dân TP HCM về công tác tham gia quản lý nhà nước về lao động và việc làm mới đây, ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP HCM, cho biết có rất nhiều lý do doanh nghiệp không tuyển được lao động, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do doanh nghiệp trả lương quá thấp.
Theo ông Thành, thực tế dòng lao động đang chuyển dịch về các tỉnh. Do sau khi dịch bệnh COVID-19, người lao động về quê và không trở lại. Thêm vào đó, kinh tế khó khăn, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống, người lao động cũng về quê. Thêm một lý do là người lao động hiện nay thích làm công việc tự do. Thay vì tăng ca kiếm thêm 100.000 - 200.000 đồng/buổi, nhiều lao động chọn chạy xe ôm công nghệ hay bán hàng online, kiếm được nhiều tiền hơn.
Qua khảo sát của Công đoàn các KCX-CN TP, mức lương doanh nghiệp trả cho người lao động từ 5,2 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Thực tế không có sự đột phá về lương. Người lao động chọn về quê làm tuy thu nhập thấp hơn nhưng ít tốn chi phí, không phải thuê nhà trọ. "Có một thực tế nữa, nhiều công nhân làm việc được 19 năm, nghỉ việc để hưởng BHTN, rút BHXH một lần" - ông Thành nói.
Hiện Ban quản lý các KCX-CN TP HCM (Hepza) không ký lại hợp đồng thuê đất với các doanh nghiệp thâm dụng lao động, mở đường cho các ngành công nghệ cao vào các KCX-CN TP. Hiện nay, nhiều đơn vị muốn đào tạo nghề cho lao động lớn tuổi không được. Người lao động gắn bó với doanh nghiệp từ 20 - 30 năm, tuổi đời hơn 50 tuổi, qua thời thanh xuân. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ tuyển người dưới 35 tuổi.
"Tài sản của người lao động sau 20 - 30 năm cống hiến chỉ dư được chiếc xe gắn máy, vài vật dụng gia đình, ngoài ra, không có gì. Nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động sau khi không được thuê đất thì đóng cửa, về nước, trả một khoản phụ cấp và hết trách nhiệm với người lao động. Vì thế, thành phố cần có định hướng, tính toán hướng đi cho những lao động này" - ông Thành đề xuất.
Bình luận (0)