Dù mức tăng không nhiều song với không ít người hưởng lương hưu, đây cũng là một khoản bù đắp để họ có thể trang trải phần nào chi phí sinh hoạt, bớt đi lo toan của tuổi già khi khoản lương hưu vẫn còn thấp so với mặt bằng thu nhập xã hội và các khoản chi phí trong đời sống, tiêu dùng ngày một tăng thêm.
Trước đó, Cơ quan BHXH Việt Nam đề xuất tăng lương hưu thêm 8% từ ngày 1-7-2024. Theo tính toán của BHXH Việt Nam, cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Dự báo từ ngày 1-7, tiền lương đóng BHXH của người lao động (NLĐ) khu vực nhà nước tăng lên theo cải cách tiền lương, khoảng 55% so với năm 2023.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đưa ra đề xuất tăng lương hưu thêm 15%. Riêng mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 29,2%, tương ứng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng; tăng trợ cấp xã hội 38,9%, tương ứng tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng.
Báo cáo đánh giá tác động về đề xuất tăng lương của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy trong số 3,4 triệu người đang nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng chỉ có 500 người hưởng mức lương từ 20 triệu đồng trở lên trong khi đa số hưởng lương rất thấp, mức bình quân chỉ 5,6 triệu đồng/người/tháng, còn hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất của người hưởng hiện là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 1995 đến 2023 trải qua 23 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 21 đến 36 lần nhưng mức lương hưu của nhiều người vẫn rất thấp. Hiện cả nước có khoảng 2 triệu người đang hưởng lương hưu từ 3 - 7 triệu đồng/tháng.
Nay lương hưu đã tăng theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH là 15%. Mức tăng này khá phù hợp trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay. Luật BHXH đã quy định tiền lương hưu, trợ cấp BHXH phải điều chỉnh để bảo đảm bù lại phần trượt giá. Trong năm 2023, CPI là 3,25%, GDP tăng hơn 5,05% nên cần điều chỉnh lương hưu để bảo đảm đời sống.
Lương hưu tăng 15% song đời sống của những người về hưu còn nhiều khó khăn. Đa số những người đang nhận lương hưu thấp chủ yếu là nhóm nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995. Thời điểm này, ngoài mặt bằng lương thấp, còn có nguyên nhân là chế độ nâng bậc lương không thường xuyên dẫn đến mức lương hưu rất thấp. Còn với NLĐ đang đóng BHXH với mức đóng thấp thì khi về hưu phải nhận mức lương hưu thấp là lẽ đương nhiên.
Nhiều năm qua, nhà nước luôn dành tỉ lệ đáng kể cho an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2012 - 2018, ngân sách nhà nước cho lĩnh vực bảo đảm xã hội khoảng 768.850 tỉ đồng, bằng 12% -14% tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước (cao thứ 2 sau giáo dục và dạy nghề). Điều đó, với minh chứng là tăng lương hưu lên 15% cùng những chính sách mới về tiền lương vừa ban hành, cho thấy ý chí và quyết tâm hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội; người thụ hưởng cảm nhận rõ về sự quan tâm và lẽ công bằng.
Bình luận (0)