Những năm gần đây, vệ sinh an toàn thực phẩm là nỗi lo của mọi người, mọi nhà. Nhu cầu tìm kiếm thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng... là tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người dân cho dù giá đắt hơn vài lần. Nắm bắt nhu cầu này, ngày càng có nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm treo biển "sạch". Tất nhiên, có những cửa hàng kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất an toàn, chất lượng bảo đảm... Thế nhưng, cũng có không ít cửa hàng gắn biển hiệu thực phẩm sạch mà nguồn gốc đồ ăn, thức uống không rõ ràng, không có gì bảo đảm là... sạch. Thậm chí, họ mua thực phẩm bẩn, trôi nổi ngoài thị trường với giá rẻ, sau đó gắn mác "sạch", thậm chí "siêu sạch" để thu lời gấp nhiều lần.
Dễ thấy nhất là nhiều quán nước mía trương biển "Nước mía siêu sạch" nhưng cũng dùng tay không cạo mía, xay mía. Chưa kể một số quán đặt máy xay mía ở lề đường, vỉa hè bụi mịt mù mà không hề được che đậy.
Khu phố tôi sống có cửa hàng chuyên kinh doanh "rau sạch". Tìm hiểu thì được biết nguồn rau quả của cửa hàng mua ở chợ nhưng vì gắn mác "sạch" nên được bán đắt gấp nhiều lần. Người dân trong khu phố không mua rau ở đây nhưng người ở nơi khác vẫn đến mua vì tin tưởng vào tấm biển "rau sạch".
Không chỉ rau quả, trên thị trường, các mặt hàng thịt, hải sản cũng đua nhau gắn mác "sạch" cho thực phẩm của mình, từ đồ tươi cho đến đồ khô để trục lợi, không quan tâm an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Thiết nghĩ Luật An toàn thực phẩm đã có, còn lại là sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những cửa hàng kinh doanh lừa dối người tiêu dùng. Nếu không lập lại trật tự, không xử lý nghiêm thì việc kinh doanh sản phẩm "bẩn" với giá cao sẽ làm loạn thị trường, ảnh hưởng đến các thương hiệu uy tín và sức khỏe người tiêu dùng.
Bình luận (0)