Trong thị trường lao động luôn biến động, nhảy việc đã trở thành lựa chọn phổ biến, nhất là với lao động trẻ (LĐT). Nhiều chuyên gia cho rằng nhảy việc không đơn thuần là thay đổi công việc, mà còn là quyết định mang tính bước ngoặt, có thể thúc đẩy sự nghiệp hoặc rủi ro.
Suy nghĩ thấu đáo
Bà Lương Tú Anh, CEO Công ty TNHH NodeX Asia (TP HCM), đánh giá những năm gần đây, xu hướng thay đổi công việc ngày càng phổ biến, nhất là trong nhóm LĐT sinh từ năm 1997 - 2006) và thế hệ sinh từ năm 1981 - 1999. Đây là lực lượng đang chiếm lĩnh thị trường lao động.
Hiện nay, họ không xem công việc là sự cam kết lâu dài mà cho đó là phương tiện để phát triển bản thân, nên tìm kiếm môi trường làm việc được tôn trọng giá trị, minh bạch và cởi mở. Đồng thời, họ đặt kỳ vọng cao về cơ hội thăng tiến, thu nhập... Theo bà Tú Anh, mạng xã hội và toàn cầu hóa đang giúp các thế hệ này dễ dàng so sánh nghề nghiệp và quyết định chuyển việc nếu có cơ hội tốt hơn.
Tại Việt Nam, tỉ lệ nhảy việc trong nhóm LĐT khoảng 38% mỗi năm, sau 1-2 năm làm việc. Các ngành có tỉ lệ nhảy việc cao, gồm công nghệ thông tin, marketing (tiếp thị), dịch vụ khách hàng và tài chính - ngân hàng… do nhu cầu nhân sự lớn và cơ hội nghề nghiệp đa dạng. "Thay đổi công việc phải đúng cách, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp lâu dài. Nó có thể giúp người lao động (NLĐ) phát triển và thích nghi với thị trường lao động nhưng không cẩn trọng, sẽ dẫn đến mất ổn định nghề nghiệp" - bà Tú Anh phân tích.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng thu hút nhân tài, Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM), khuyên trước khi nhảy việc phải cân nhắc kỹ lưỡng. "Chỉ thay đổi khi công việc hiện tại không còn mang lại niềm vui, động lực khiến năng suất và sự sáng tạo giảm sút; thiếu cơ hội học hỏi, thăng tiến hoặc không phù hợp với giá trị cá nhân. Nhưng hiện nay, lý do đa số LĐT thay đổi công việc là mức thu nhập không như mong muốn" - ông Đức nói.
Để thay đổi công việc thuận lợi, cần chọn thời điểm hợp lý. Ví dụ như sau khi hoàn thành một dự án lớn, đạt được cột mốc quan trọng… Qua đó, sẽ giúp NLĐ tự tin và gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng mới.
Xây dựng sự nghiệp ổn định
Bà Lê Thị Mai Anh, Chủ tịch điều hành Vietnam Public Relations Network (VNPR) - mạng lưới Quan hệ công chúng Việt Nam (quận 1, TP HCM), nhấn mạnh trước khi quyết định nhảy việc, NLĐ nên xác định rõ lý do muốn rời bỏ công việc hiện tại. Từ đó, sẽ giúp đưa ra quyết định sáng suốt và tránh lặp lại những khó khăn tương tự khi chuyển sang công việc mới.
Bà Mai Anh lưu ý NLĐ cần tìm hiểu kỹ lưỡng về văn hóa doanh nghiệp (DN), giá trị cốt lõi, các cơ hội phát triển nghề nghiệp, phương thức quản lý và đánh giá nhân viên, cũng như tình hình tài chính của công ty mới. Tham gia phỏng vấn phải thể hiện bản thân, mục tiêu của DN đối với vị trí ứng tuyển. Điều này sẽ giúp NLĐ hiểu rõ hơn về công việc và môi trường làm việc của DN mới, từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất.
Một yếu tố then chốt khác để chuyển đổi công việc thành công là hoàn thành tốt các công việc còn lại, bàn giao chi tiết cho đồng nghiệp và bảo đảm mọi việc được chuyển giao một cách rõ ràng, hợp lý nơi làm cũ. Việc này sẽ giữ lại những mối quan hệ tốt đẹp với DN, đồng nghiệp, tạo nền tảng cho sự hỗ trợ trong tương lai. "Khi gia nhập công ty mới, NLĐ cần chủ động làm quen với môi trường làm việc, xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, nhằm nhanh chóng hòa nhập và phát huy tối đa năng lực" - bà Mai Anh khuyên.
Trong bối cảnh công nghệ chuyển đổi mạnh mẽ, các ngành nghề truyền thống đang suy giảm cơ hội, trong khi yêu cầu về kỹ năng công nghệ ngày càng cao, do đó ông Bùi Đoàn Chung, sáng lập Cộng đồng nghề nhân sự Việt Nam, khuyến cáo NLĐ cần có định hướng rõ ràng trước khi quyết định nhảy việc.
Thay vì chỉ chú trọng đến mức lương hay danh tiếng công ty, NLĐ nên xem xét các yếu tố như tiềm năng phát triển ngành nghề, cơ hội nâng cao kỹ năng, sự ổn định tài chính của DN. "Việc lựa chọn công việc mới một cách chiến lược và cân nhắc kỹ các yếu tố, sẽ giúp NLĐ biến thách thức thành cơ hội, xây dựng sự nghiệp bền vững và ổn định lâu dài" - ông Chung nhấn mạnh.
Kỹ năng công việc sẽ thay đổi
PwC - 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, vừa công bố kết quả khảo sát từ 19.500 NLĐ tại 14 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 1.000 NLĐ Việt Nam. Kết quả cho thấy 71% NLĐ Việt Nam tin rằng có thể phát triển kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn so với đồng nghiệp trong khu vực (so với 57% tại châu Á - Thái Bình Dương); 75% cho rằng DN sẽ hỗ trợ họ học hỏi các kỹ năng mới trong tương lai (so với 52% tại khu vực); 64% đánh giá yêu cầu kỹ năng công việc sẽ thay đổi mạnh mẽ trong 5 năm tới.
Bình luận (0)